Thông tin về tình hình thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo phương thức đối tác công-tư (PPP), Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm có sản lượng thi công đạt hơn 64% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, dự án đoạn Nha Trang-Cam Lâm sẽ là dự án PPP đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam cán đích.
Tại dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo, tiến độ thi công cũng đang bám sát kế hoạch yêu cầu.
Tuy nhiên, tại dự án thứ 3, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt đang trở thành nỗi lo lớn nhất trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam, vì sản lượng thi công thấp, tiến độ chậm, năng tài chính nhà thầu có vấn đề.
Đoạn Nha Trang-Bình Thuận đang băng băng về đích
Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, tính đến nay Liên danh nhà đầu tư đã góp vốn 784,91 tỷ (đạt 76% tổng vốn chủ sở hữu) theo quy định của hợp đồng dự án, vượt 126% tiến độ yêu cầu.
Cụ thể, theo ông Thắng, dự án cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (phần của Tập đoàn Đèo Cả thực hiện), giá trị xây lắp đạt 1.883/4.546 tỷ đồng, tương đương khoảng 41,42% tiến độ thi công, đáp ứng kế hoạch đề ra.
“Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Núi Vung với chiều dài hơn 2km đang dần được nối liền, khơi thông tuyến đường xuyên núi. Không chỉ tiến độ, các đơn vị thi công cũng đặt chất lượng công trình là mục tiêu hàng đầu, huy động vào công trường lượng lớn nhân lực và máy móc, thiết bị hiện đại”, ông Thắng cho biết.
Đối với thi công hầm Núi Vung, do công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian chuẩn bị, khoan hầm. Đến nay, ống hầm bên trái đào được 1.784m/2.250m; ống hầm phải đào được: 1.563m/2.250m.
Ông Hồ Sỹ Tài, Chỉ huy trưởng thi công khoan hầm Núi Vung cho biết, hầm được khoan từ hai đầu, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vì địa chất thay đổi, vừa thi công vừa gia cố mái hầm. Hiện nay, cửa hầm phía Bắc có địa chất ổn định hơn nên tiến độ tốt hơn với tốc độ khoan hầm khoảng 6m/ngày.
Mũi thi công từ phía Nam gặp địa chất yếu, phức tạp, đá phong hóa mạnh, không liền khối nên tốc độ chỉ đạt 1,5-2m/ngày.
Đáng lo ngại nhất phải kể đến là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy, cả sản lượng và tiến độ thi công của dự án này đều chưa đạt yêu cầu. Trong đó, lũy kế sản lượng thi công tính đến đầu tháng 2/2023 của dự án này mới chỉ đạt 25% giá trị hợp đồng, tức là chậm 3,98% so với tiến độ điều chỉnh.
Đặc biệt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ rõ, nguyên nhân chính khiến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chậm tiến độ xuất phát từ những vấn đề liên quan đến năng lực tài chính của nhà thầu. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn vốn và công tác thanh toán cho các nhà thầu.
Ngoài ra, một số tồn tại khác như dự án chưa lập lại tiến độ chi tiết phù hợp với tiến độ tổng thể, chưa tổ chức tăng ca, tăng kíp để bù lại khối lượng bị chậm, đặc biệt công tác xử lý nền đất yếu… cũng khiến tiến độ cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt bê trễ như hiện nay.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt bị “bêu tên” vì chậm tiến độ và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 gặp vấn đề năng lực tài chính.
"Đối với dự án này, ngày 10/1/2023, Bộ GTVT đã chủ trì đoàn kiểm tra hiện trường, yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, làm tăng ca để bù lại tiến độ đã bị chậm. Trong thời gian tới nếu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục chậm tiến độ, Ban QLDA 6 căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
Trước đó, vào tháng 11/2022, trước thực trạng dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chậm tiến độ, Bộ GTVT đã từng có văn bản yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư kiên quyết loại bỏ 3 nhà thầu yếu kém khỏi dự án, gồm: Công ty CP 456, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vina 2, Công ty TNHH Đại Hiệp; điều chuyển khối lượng công việc của nhà thầu thi công chậm sang cho các nhà thầu thi công tốt, nhằm đảm bảo tiến độ đặt ra.
Mới đây nhất, ngày 10/1 vừa qua, trong chuyến kiểm tra hiện trường dự án, Bộ GTVT lại tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, làm tăng ca để bù lại tiến độ đã bị chậm./.