Chỉ trong vòng 2 ngày, Thừa Thiên - Huế xảy ra 2 vụ sạt lở vùi lấp 30 người. Hai vị trí xảy ra sạt lở là Thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm quản lý bảo vệ rừng 67, cùng thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Nói về 2 vụ sạt lở thảm khốc này, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho hay, vào năm 2019, đơn vị điều tra với tỷ lệ 1/50.000 các khu vực có nguy cơ sạt lở tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các nhà địa chất học nhận định huyện Phong Điền có một hệ thống đứt gãy chính theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ.
“Thủy điện Rào Trăng 3 cũng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở”, ông Hòa cho hay.
Theo Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sau khi điều tra xong, đến đầu tháng 7/2020, đề án trên được bàn giao cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, sau đó tỉnh này có triển khai biện pháp phòng chống sạt lở hay không thì ông Hòa không rõ.
“Khi nhận được đề án thì tỉnh sẽ nghiên cứu, triển khai biện pháp phòng chống sạt lở trong mùa mưa lũ. Tôi cũng không biết họ có chuẩn bị hay không”, TS Trịnh Xuân Hòa nói.
TS Trịnh Xuân Hòa nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở ở Rào Trăng 3 là do mưa lớn nhiều ngày làm vỏ phong hóa bị mềm, bở ra cộng với yếu tố kiến tạo.
“Sạt lở do tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó do mưa lớn nhiều ngày làm đất đá bão hòa nước, vỏ phong hóa granit làm cho rời ra và sạt lở xuống”, Tiến sĩ Hòa nói.
Nhận định về khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 (nơi 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn), Tiến sĩ Hòa phỏng đoán nơi đây có thể là do sạt lở tự nhiên, còn vụ sạt lở Rào Trăng 3 có thể do ảnh hưởng bởi sạt lở taluy.
Cũng theo ông Hòa, trong thời gian điều tra, đơn vị kết luận ở Thừa Thiên - Huế có 42 điểm sạt lở. Trong đó, có 40 điểm sạt xảy ra tại nơi cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở. Việc cắt xẻ taluy này cộng với mưa lớn làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá.
Cùng chung nhận đinh như Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 chịu phong hóa nhiều, khiến đá bị dập nát chuyển hoá dần thành đất. Khi mưa xuống đất sẽ vữa ra không giữ được đá và sẽ trôi từ trên cao xuống.
Ông Hòa cho rằng, trước khi xây dựng nhà máy thủy điện tại đây, chắc chắn phải có công trình nghiên cứu, đánh giá nguy hiểm. Tuy nhiên, công trình vẫn được xây dựng ở nơi dễ bị sạt lở là điều khó hiểu.
“Khi có dự án thủy điện thì họ phải có những công trình nghiên cứu. Người ta có thể ước tính khối núi nếu sạt xuống bao phủ là bao nhiêu và đâu là hành lang an toàn để xây dựng. Tuy nhiên tôi không hiểu sao lại để như thế. Dự án này làm không tốt”, ông Thành nói.
Theo Tiến sĩ Thành, Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng từng đánh giá nguy cơ sạt lở trên cả nước. Trong đó, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam được nhận định là nơi có nguy cơ sạt lở rất cao.