Thương mại điện tử hóa giải thách thức, tăng cơ hội bứt phá năm 2024

29/02/2024, 15:13

Thị trường thương mại điện tử đã có sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ, ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, là những nền tảng tốt để tiếp tục phát triển trong năm 2024.

Thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, nhưng đến hết năm 2023 đã đạt tới 20,5 tỷ USD. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C (giao dịch giữa DN và người tiêu dùng) chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo doanh thu TMĐT tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024

Theo theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Đáng chú ý là trong năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng trong xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống đã giảm nhiều số lượng người mua, nhưng dịch vụ giao hàng cho các sàn TMĐT lại phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu đặt hàng, mua sắm online của người tiêu dùng.

Số liệu mới nhất từ e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023. 

Nhận định từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương), thị trường TMĐT tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường, bao gồm dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ, ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, là những nền tảng tốt để TMĐT có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.

Hóa giải những thách thức cho phát triển bền vững

Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể. Trong đó hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, trong xu hướng của TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến đang là xu hướng được nhiều DN xuất nhập khẩu quan tâm. Nhiều năm qua, VECOM cũng phối hợp với một số đối tác và hội viên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN xuất nhập khẩu thông qua các chương trình đào tạo tập huấn trực tuyến. Đặc biệt, Diễn đàn xuất nhập khẩu trực tuyến (VOIEF) đã được VECOM tổ chức trong các năm 2017 và 2020 đã thu hút sự quan tâm cao của đông đảo các cơ quan, tổ chức, DN.

Phát huy hiệu quả từ Diễn đàn, dự kiến vào tháng 5/2024, VECOM sẽ đồng hành cùng Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến tiếp tục tổ chức sự kiện này. Thông qua Diễn đàn này sẽ đánh giá được các thành tựu và đánh giá xu hướng, công nghệ, giải pháp để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước tới các DN liên quan tới xuất nhập khẩu.

“VECOM cũng sẽ cố gắng duy trì Diễn đàn tiếp thị trực tuyến (VOMF), nhằm giữ vững thương hiệu là sự kiện chính thống và uy tín nhất về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến ở Việt Nam. Diễn đàn sẽ tạo cơ hội để các đơn vị kinh doanh trực tuyến giới thiệu về năng lực và sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá đa dạng. Bên cạnh đó, các DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ tiếp thị trực tuyến sẽ có cơ hội nắm bắt các giải pháp mới nhất phù hợp với từng thị trường và quy mô, sản phẩm”, ông Trọng thông tin.

Hiện nay, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến,… vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của TMĐT Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. 

Để từng bước hóa giải những thách thức này đưa TMĐT phát triển bứt phá ngay trong năm 2024, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT&KTS) cho biết, Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.

“Trung tâm cũng đang triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp DNNVV ở các địa phương phân phối các sản phẩm thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới - Go Export nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng TMĐT lớn trên thế giới… Những giải pháp và chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực từ phía DN sẽ tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường để TMĐT tiếp tục phát triển nhanh chóng và bền vững trong tương lai”, ông Hoàng tin tưởng.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất