Thực phẩm chức năng có thể gây nguy hại cho sức khỏe

Phương Trang/VOV2 | 07/04/2024, 14:05

Tại nước ta, số người sử dụng thực phẩm chức năng đang tăng lên nhanh chóng, ước tính, tỷ lệ này là 80%. Đa số người dân mong muốn sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe, thậm chí, có người còn coi đây là những loại thuốc chữa bệnh.

Lâu nay, bà Đặng Thị Thanh – 65 tuổi nhà ở Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội có thói quen mua và sử dụng một số loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo trên mạng hoặc nghe qua bạn bè “kháo” nhau về công dụng của sản phẩm nào đó tốt cho sức khỏe. “Tôi bị bệnh tim mạch nên nghe nói Q10 tốt cho tim là tôi mua sử dụng, uống mỗi ngày 1 viên vào buổi tối. Cũng duy trì hơn 2 năm nay. Ngoài ra còn vài loại tốt cho mắt như Omega 3, tốt cho da như Collagen. Nói chung những loại này cả nhà uống đều tốt nên chồng con tôi đều dùng”- bà Thanh cho hay.

Không chỉ người già, người trưởng thành mới dùng TPCN, trẻ em cũng được cha mẹ cho sử dụng với mong muốn con mình sẽ khỏe mạnh và phát triển thể chất một cách tốt nhất như chia sẻ của anh Phạm Tiến Công - nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội “Con tôi sức khỏe yếu hay ốm vặt, thêm chứng táo bón nên mua viên rau củ của Nhật để bổ sung chất xơ từ 3 năm nay. Thêm một số loại vitamin và khoáng chất của Đức và Úc uống thêm, nói chung khá nhiều loại, mỗi đợt lại thay đổi loại khác nhau… Uống để con có sức khỏe, tăng cường miễn dịch và phát triển chiều cao thì TPCN theo tôi là cần thiết”- anh Công khẳng định.

Sau một thời gian sử dụng, anh Công, bà Thanh đều cho rằng, bản thân cũng rất cẩn thận khi chọn mua các sản phẩm ngoại nhập hoặc hàng xách tay từ nước ngoài về. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm nhập ngoại bằng tiếng nước ngoài nên việc đọc hướng dẫn sử dụng với nhiều người không hề dễ dàng, đặc biệt là người cao tuổi. Còn nếu hàng nhập khẩu có tem phụ thì thông tin cũng rất sơ sài. Nếu không có điều kiện tìm hiểu thêm về sản phẩm cũng như không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế, việc dùng sai, dùng quá liều thực phẩm chức năng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cuối tháng 3 vừa qua, Kobayashi – hãng dược phẩm nổi tiếng của Nhật Bản đã thu hồi 3 dòng thực phẩm bổ sung sau khi có báo cáo về 4 trường hợp tử vong do tổn thương thận và hơn 100 người khác đã phải nhập viện sau thời gian dùng các sản phẩm này. Các sản phẩm bị thu hồi được bán không cần kê đơn chứa thành phần gạo men đỏ, hay "beni koji", được cho là giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể, gồm Beni Koji Choleste Help và 2 sản phẩm khác có tên tương tự. Hàng chục công ty Nhật Bản sử dụng beni koji mà Kobayashi cung cấp cũng đã thông báo thu hồi của họ. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế nước ta cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như nêu trên, trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin vừa rồi khiến dư luận thực sự hoang mang bởi không ít người dân vẫn “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng, coi đây là những sản phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe. Dưới góc độ là một chuyên gia y tế, BSCKII Đào Trọng Thành- Phó trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Hữu Nghị đưa ra cảnh báo về thói quen cũng như tác hại đối với sức khỏe khi người dân lạm dụng hoặc dùng TPCN sai cách.

“Người dân nói chung và người cao tuổi (NCT) nói riêng gần đây tần suất sử dụng TPCN càng ngày càng nhiều. Khi đời sống kinh tế được nâng cao, nhu cầu sử dụng TPCN của người dân cũng tăng cao theo. Trong đó, đối tượng NCT là những người rất có nhu cầu trong việc bổ sung thêm TPCN. Như vậy, cũng có những vấn đề bất cập xảy ra khi người dân sử dụng các sản phẩm này một cách tùy tiện, tràn lan và không được các chuyên gia y tế hướng dẫn chu đáo, đây là một vấn đề có nhiều điểm cần phải khắc phục”- BS Thành nêu.

Từ thực tế tại bệnh viện, BS Đào Trọng Thành cũng đã từng điều trị cho những trường hợp bệnh nhân cao tuổi gặp phải những biến chứng do lạm dụng TPCN.

“Ở đây chúng tôi đã từng gặp phải những bệnh nhân sử dụng TPCN không được kiểm soát đó là sử dụng khi bản thân đã bị tiểu đường hoặc bị tim mạch. Việc bệnh nhân sử dụng TPCN quá nhiều có thể gây ra suy gan, suy thận. Chúng tôi đã từng chứng kiến bệnh nhân bị tiểu đường, uống TPCN quá nhiều. Khi bệnh nhân đến chúng tôi khám thì men gan tăng rất cao và chức năng thận bị suy giảm, đó là điều rất đáng tiếc”.

Hiện nay, người dân có tâm lý sính dùng TPCN ngoại nhập hoặc hàng xách tay từ nước ngoài về. Thậm chí, những người bán hàng cũng nhắm vào đối tượng là những người cao tuổi có nhu cầu cao vể sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe để quảng cáo, bán hàng, tuy nhiên, việc không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đối với người sử dụng.

“Các sản phẩm TPCN có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu nhận được sự tín nhiệm rất cao từ người dân. Tuy nhiên, có những nơi họ nói rằng có nguồn hàng xách tay, nhờ người quen thân mang về mà không có cơ quan hoặc công ty nhập khẩu trực tiếp chịu trách nhiệm về sản phẩm đấy thì nguy cơ lớn nhất đó chính là hàng giả, hàng kém chất lượng và số lượng đấy tương đối nhiều trong xã hội. Chính vì thế, khi sử dụng nhiều mà không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự bảo đảm chất lượng của bên thứ ba thì sẽ gây ra tác hại rất lớn cho sức khỏe, thậm chí hậu quả là khôn lường”- BS Thành cảnh báo.

Ngoài ra, việc ngộ nhận TPCN là thuốc cũng chưa có sự thay đổi trong nhận thức của người dân, thực chất TPCN không thể thay thế thuốc chữa bệnh như lời khẳng định của BS Đào Trọng Thành.

“Người dân nói chung và người bệnh nói riêng thích dùng những sản phẩm ít độc hại đối với sức khỏe. Đặc biệt là khi họ sử dụng những thuốc điều trị và họ thấy có tác dụng phụ không mong muốn thì họ sẽ nghĩ rằng thuốc chữa bệnh mang độc tính cao, nên họ sợ thuốc chữa bệnh, có xu hướng dùng TPCN. Trên thực tế, nếu TPCN dùng liều đúng như khuyến cáo hoặc dùng sản phẩm chất lượng thì nó cũng an toàn thật nhưng đúng là nó không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có tính chất bổ trợ cho quá trình điều trị thôi. Vì thế nếu bệnh nhân coi TPCN là thuốc chữa bệnh là một sai lầm và nếu sử dụng TPCN mà không dùng thuốc chữa bệnh thì những bệnh lý mạn tính đáng nhẽ phải điều trị sẽ có nguy cơ tăng nặng, gây tổn hại đối với cơ thể”- BS Thành cho biết.

Từ những nguy cơ trên, BS Đào Trọng Thành - Phó trưởng khoa Khám bệnh - BV Hữu Nghị khuyến cáo người dân nên mua và sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách để tránh “tiền mất, tật mang”

“Để đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, thậm chí nâng cao sức khỏe khi sử dụng TPCN, người dân nên mua ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, TPCN được các công ty dược phẩm, các công ty nhập khẩu phân phối trực tiếp ở Việt Nam. Như vậy có nghĩa là họ có trách nhiệm đảm bảo về mặt chất lượng cũng như các sản phẩm này đã qua quá trình kiểm duyệt của Bộ Y tế. Điều quan trọng, khi dùng TPCN phải được các chuyên gia y tế tư vấn về liều phù hợp, thời gian sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh tật. Những người bệnh phải đảm bảo duy trì các thuốc điều trị bệnh lý mạn tính của mình”- BS Thành nhấn mạnh.

Bài liên quan
Giới thiệu nhà máy sản xuất Yến Sào Thiên Triều của công ty Sức Khỏe Vàng
VOVLIVE - Với hệ giá trị cốt lõi “Trung thực - Uy tín - Chất lượng”, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Sức Khỏe Vàng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất, phân phối và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao trong lĩnh vực yến sào tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Viêm thanh quản ở trẻ em trong mùa lạnh: Nhận diện, điều trị và phòng bệnh
Thanh quản là bộ phận tạo ra âm thanh khi nói, vì thế khi viêm thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng, ho, khó thở và các triệu chứng khác, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.
Mới nhất