Sáng 15/2, trong chương trình công tác tại Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thăm, tặng quà Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre, tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre.
Được hình thành năm 1991 với sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, trường hiện có 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên, chăm sóc, nuôi dạy hơn 250 em học sinh với 28 lớp ở các khối khác nhau. Nhiều học sinh của trường đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có những học sinh của trường đã trở thành PGS.TS giảng dạy tại các trường đại học.
Kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường và qua nghe báo cáo, Thủ tướng hoan nghênh việc Bến Tre đã xây dựng trường từ 32 năm qua; đánh giá trường đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dạy các em học sinh khuyết tật, giúp các em từ chỗ mặc cảm đã có niềm tin vào cuộc sống, yêu đời, ham học hỏi, giúp các em tự tin trưởng thành, hoà nhập xã hội, tự lo được cho chính mình. Đây là mô hình nhân văn, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, với tinh thần “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
“Hiệu quả tôi đánh giá cao nhất là chăm sóc nuôi dạy các cháu, đưa các cháu từ chỗ khuyết tật, mặc cảm với cuộc đời đến chỗ yêu đời, đến chỗ trưởng thành. Mặc dù có thể là có tật nguyền, trí tuệ có thể chậm, nhưng rõ ràng là các cháu được chăm sóc, nuôi dạy, các cháu vẫn tự tin để trưởng thành, lo cho cuộc đời mình được, bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đây là điều nhân văn của chế độ ta, của ngành giáo dục, của ngành thương binh và xã hội, và của tỉnh Bến Tre", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan rà soát các chính sách hiện hành để chỉnh sửa, bổ sung trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho các cháu và cán bộ trung tâm về điều kiện chăm sóc, sinh hoạt, dạy dỗ. Đây là đối tượng an sinh xã hội rất đặc biệt, có hoàn cảnh rất đáng thương nên phải có chính sách, chế độ đặc thù, đặc biệt, phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và tỉnh Bến Tre tiếp tục phát huy tinh thần “đồng khởi”, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hết sức quan tâm công tác an sinh xã hội, trong đó có chăm sóc cho người khuyết tật; quan tâm, nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo môi trường tốt nhất cho các cháu học tập, phát triển.
Đối với nhà trường, Thủ tướng yêu cầu, phải quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm vệ sinh, môi trường, trang thiết bị dạy học, giáo trình..., nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, chăm sóc tốt nhất cho các em cả về vật chất và tinh thần.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu đổi tên trường thành trường chăm sóc, nuôi, dạy trẻ khuyết tật, bởi việc chăm sóc là rất quan trọng để bù đắp lại những thiệt thòi của các cháu.
"Phải bổ sung thêm từ "chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật". Trước hết phải chăm sóc các cháu có tình cảm, có cảm xúc, cảm hứng để quên đi những phần khuyết tật của mình; dậy cho các cháu học biết chữ, nhận biết ý thức của cuộc sống rất quan trọng. Một đặc điểm chung mà tôi nghe 3 cô giáo nói, tức là các cháu chậm nhớ lại chóng quên nên đòi hỏi phải kiên trì, kiên nhẫn, đòi hỏi phải hết sức trách nhiệm, tâm huyết, bằng cả tình yêu thương của mình mới có thể làm được việc này. Tôi rất mong các thầy cô đã tình nguyện đến đây chăm sóc, nuôi dạy các cháu thì cố gắng làm hết tinh thần trách nhiệm của mình", Thủ tướng yêu cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành tổng kết, đánh giá các mô hình tương tự trên cả nước, đúc rút các kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hay, nâng cao hơn nữa chất lượng các trường chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, để có thể chăm sóc nhiều hơn nữa các em khuyết tật, tiếp nhận được cả các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng để người khuyết tật nỗ lực, cố gắng vươn lên.
Nhắc tới những tấm gương sáng như thầy Nguyễn Ngọc Ký và những học sinh của nhà trường đã trở thành PGS.TS, Thủ tướng mong các cháu khuyết tật luôn tự tin, phát huy cao nhất khả năng của mình, cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, nỗ lực vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống./.