Ngày 20/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.

Tính đến 30/4/2025, ước giải ngân chung cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%). Có 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình. Trong đó, một số đơn vị được giao vốn lớn và có tỷ lệ giải ngân cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội nghị tập trung nghe các địa phương nêu rõ lý do, nguyên nhân chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, đến nay tỉnh giải ngân đạt 6%, nguyên nhân tập trung ở 2 cao tốc là cao tốc TP Hồ Chí Minh- Bình Dương và cao tốc Chơn Thành - Bình Phước. Tỉnh Khánh Hòa nêu thực tế vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công ở địa phương.

Trước những nguyên nhân khó khăn, bất cập các địa phương nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng: Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là dự án cao tốc đi qua địa bàn. Bên cạnh đó, việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai rất quan trọng, đặc biệt là xác định nguồn gốc sử dụng đất.
"Kinh nghiệm cho thấy những địa phương nỗ lực thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng thì không có vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng như: Hà Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu.... Vì tất cả mọi thửa đất được số hóa, xác định tình trạng sử dụng đất. Đây là ví dụ cho thấy tại sao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì Bà Rịa - Vũng Tàu làm rất nhanh, do giải phóng mặt bằng không có vướng mắc" - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Chúng ta đang ở trong những ngày tháng lịch sử, với tinh thần "thần tốc, táo bạo" nhưng đầu tư công không những không "thần tốc, táo bạo" mà ngày càng ì ạch. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đồng bộ công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công - coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư công, trong đó tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư...
Biểu dương nhiều dự án ưu tiên bố trí vốn và tập trung triển khai, nhất là dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội ...người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn phê bình 17 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt hơn cùng kỳ năm 2024. Còn tình trạng dự án "treo", "đắp chiếu", gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong xã hội. Thủ tướng đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "càng áp lực, càng phải nỗ lực". Phải thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng đề nghị khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện giải ngân đối với từng dự án; phân loại dự án theo mức độ giải ngân, từ đó xây dựng tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý và có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả thúc đẩy giải ngân đạt mục tiêu đề ra. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn về phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành trước 30/6/2025.