Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bình Dương về giải ngân vốn đầu tư công

Vũ Khuyên/VOV | 03/12/2022, 19:58

Thủ tướng chỉ rõ, Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Chiều 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Bình Dương về tình hình giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Cùng dự có Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Văn phòng Chính phủ.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, năm 2022 tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao: Đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng 8,29%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiến đến 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 155 nghìn tỷ, tăng 12,9%.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng với 2,85 tỷ USD. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được quan tâm. Đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ông Võ Văn Minh cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 của tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 8.929 tỷ, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết 100% cho các dự án theo quy định. Ước giải ngân đến ngày 30/11/2022 tỉnh Bình Dương đạt 48,20% kế hoạch.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng cho biết, nguyên nhân việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Việc khảo sát, tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng chưa được một số chủ đầu tư quan tâm ở bước lập chủ trương đầu tư, chưa sát thực tế dẫn đến khi lập dự án chi phí giải phóng mặt bằng tăng làm vượt tổng mức đầu tư so chủ trương được duyệt. Giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao so với dự toán được phê duyệt nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công của các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh lại dự toán.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đã phân tích tiềm năng thế mạnh, những tồn tại hạn chế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Bình Dương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Dương cần tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, chú trọng phát triển nhanh hài hòa, bao trùm và bền vững.

"Làm sao để cho tỉnh Bình Dương phát triển nhanh hài hòa, bao trùm và bền vững và không để ai bỏ lại phía sau. Vì sao phải phát triển nhanh? Vì Bình Dương có rất nhiều điều kiện thuận lợi, có nền tảng phát triển nhiều năm nay, vị trí hết sức quan trọng gắn với phát triển của vùng Đông Nam Bộ, là một vùng phát triển năng động và có nhiều đổi mới sáng tạo, có đóng góp lớn cho đất nước. Thứ hai là phải triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội. Thứ ba là phải phát triển bao trùm cho tất cả các đối tượng, cho tất cả các huyện, thị, thành phố, hay gọi là vùng miền của tỉnh, phải bao trùm và phải phát triển bền vững toàn diện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng chỉ rõ, Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm; phải tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực là chính, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực khác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương khác. Bình Dương muốn phát triển thì không thể đi một mình.  

Theo người đứng đầu Chính phủ, Bình Dương cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, công bằng, bình đẳng, an toàn, lành mạnh, bền vững. 

"Tháo gỡ cái gì đối với công nhân lao động? Vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, công ăn việc làm thế nào? Là một tỉnh chịu thiệt thòi nặng nề về dịch bệnh, bây giờ phải kiểm soát không những dịch bệnh Covid-19 mà còn dịch bệnh khác, cho nên phải hài hòa là như vậy. Công tác quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công thế nào? Hiện nay Bình Dương đang thấp hơn so với cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia thế nào? Chương trình phục hồi thế nào? Rồi các vấn đề giải quyết an sinh xã hội" - Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình phát triển, công tác lãnh đạo chỉ đạo phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về các kiến nghị của tỉnh Bình Dương, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất