"Chúng ta không thể loại Nga khỏi châu Âu. Điều này có nghĩa là ngay cả khi xung đột kết thúc, chúng ta vẫn cần chung sống hoà bình với Nga. Điều này cũng bao gồm cả sự linh hoạt đến từ phía Nga", Thủ tướng Áo Karl Nehammer chia sẻ với tờ Die Zeit của Đức.
Trong cuộc trao đổi, Thủ tướng Áo nhấn mạnh "châu Âu không thể hoà bình nếu không đối thoại với Nga". Đồng thời, ông lưu ý cuộc đối thoại này không nên diễn ra sau lưng Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ Kiev đã có kế hoạch cho một cuộc phản công mới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ nối lại hỗ trợ quân sự cho Kiev và phương Tây hỗ trợ quốc gia này tăng cường năng lực sản xuất thiết bị quân sự trong nước.
"Nga có lợi thế hơn chúng tôi về mặt nhân lực và vũ khí. Nhưng phương Tây sở hữu các hệ thống hiện đại hơn. Nếu chúng tôi nhận được giấy phép chuyển giao công nghệ từ các đối tác phương Tây, sự chênh lệch về nguồn nhân lực sẽ không còn là vấn đề", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra tuyên bố tương tự vào năm ngoái. Tuy nhiên, Kiev khi ấy đã thất bại trong việc giành lại các khu vực do Moskva kiểm soát từ năm 2022.
Hiện tại, Ukraine cũng chưa giành được lợi thế trên chiến trường. Các lực lượng Ukraine vẫn đang bị đẩy lùi tại nhiều mặt trận. Trao đổi với tờ Bild của Đức hồi tuần này, ông Zelensky hy vọng sẽ sớm lật ngược tình thế.
Kế hoạch phản công mới của Ukraine hiện gặp trở ngại do nguồn viện trợ từ phương Tây đình trệ. Quốc hội Mỹ chưa thể thông qua gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Kiev sau nhiều tháng.
Bất chấp tình thế khó khăn, chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn kiên quyết không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giới chức Ukraine cũng nêu rõ sẽ không chấp nhận bất cứ cuộc hòa đàm khi Ukraine chưa khôi phục đường biên giới như trước năm 2014.