Thủ tục xin cấp kinh phí cho khởi nghiệp tại các Sở GD-ĐT còn rườm rà, chậm triển khai

Nguyễn Trang/VOV.VN | 26/03/2022, 19:14

Đề án 1665 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" không có nguồn kinh phí riêng nên mọi việc triển khai rất chậm, chủ yếu phụ thuộc nguồn xã hội hóa.

Chiều nay (26/3), tại Vĩnh Phúc, Bộ GD-ĐT phổi hợp với các đơn vị chức năng liên quan tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4.

Báo cáo những kết quả đạt được khi thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) sau 4 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, hiện tại, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học.

75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước...

Không có kinh phí riêng nên triển khai chậm

Qua 4 năm thực hiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cũng thẳng thắn cho rằng, công tác hỗ trợ đào tạo trong các trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ phụ trách tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, sinh viên khởi nghiệp còn hạn chế.

Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp còn ít kinh nghiệm, đa số là kiêm nhiệm, chưa có bộ phận chuyên trách, một số cán bộ phụ trách chưa tâm huyết, nhiệt tình. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên an phận, thiếu nhiệt huyết, tư duy không muốn đổi mới. Tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp cho sinh viên còn ít, chưa sát với thực tiễn.

Một bộ phận sinh viên ngại khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo, việc cân đối giữa việc học chuyên ngành và tham gia hoạt động khởi nghiệp còn chưa hợp lý. Một số trường quá ít sinh viên nên việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Đề án 1665 không có nguồn kinh phí riêng nên mọi việc triển khai rất chậm, chủ yếu phụ thuộc nguồn xã hội hóa. Quy định về đầu tư dự án khởi nghiệp theo quy định tại Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 18/3/2018 của Chính phủ còn hạn chế, do đó việc đầu tư các dự án khởi nghiệp hiện nay chưa được triển khai.

"Các khoản đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học không đủ để phát triển sản phẩm mà chỉ đủ cho việc sản xuất thử các sản phẩm mẫu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần chưa quan tâm đến các hoạt động đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng chưa thành lập được các quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Kinh phí đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo không được cấp thường xuyên mà chủ yếu cấp theo các hoạt động, do đó rất khó khăn trong việc xây dựng và hoạch định kế hoạch. Đối với các trường được giao tự chủ chưa tìm được nguồn đầu tư hợp lý.

Đối với các Sở GD-ĐT, kinh phí dành cho hoạt động khởi nghiệp chưa được quy định cụ thể, thủ tục xin, cấp còn rườm rà khiến cho các hoạt động chậm được triển khai”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ rõ.

Chương trình khởi nghiệp là chủ trương còn mới, các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình. Chương trình, nội dung học THPT còn nặng lý thuyết, hàn lâm chưa có nhiều giờ thực hành trải nghiệm, phương pháp giảng dạy còn đi theo lối mòn, tư duy cũ, khiến cho học sinh vẫn thụ động, thiếu tính năng động, sáng tạo.

Việc thống nhất giữa nhà trường với gia đình học sinh còn vướng mắc trong việc cân bằng giữa việc học tập văn hóa với hoạt động khởi nghiệp của học sinh.

Đối với khối các cơ sở giáo dục phổ thông, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, tuy nhiên nội dung đào tạo kỹ năng về khởi nghiệp chưa được giảng dạy cho học sinh trong các hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Hiện tại có 70 cơ sở giáo dục đại học đã có không gian chung Co-working space để hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, tuy nhiên các không gian chung này mới chỉ ở dạng như thư viện mở chưa đúng với mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trang thiết bị, tài liệu còn rất hạn chế. Chưa xây dựng được các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp dành cho sinh viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong các trường không có chuyên ngành về kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Đối với các trường phổ thông điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học còn nhiều hạn chế, chưa có các không gian khởi nghiệp cho học sinh.

Nghiên cứu môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào dạy chính khóa

Để phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên thời gian tới, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân. Đề xuất thời lượng, số lượng sao cho phù hợp với từng nhóm ngành đào tạo.

Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất tỉ lệ giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp/sinh viên bảo đảm phù hợp với từng nhóm ngành đào tạo.

Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp…./.

Bài liên quan
Công nghệ "nuôi-gác" ốc và định hướng phát triển tài nguyên bản địa
Đồng Tháp được xem là cái nôi phát triển của một loại đặc sản dân dã của miền Tây, đó là sản phẩm ốc lác gác bếp. Tại huyện biên giới Tân Hồng, ốc lác gác bếp đã được thanh niên trẻ Võ Hoài Phong phát triển và kỳ vọng sẽ là một mô hình kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Phiên họp nhằm tập trung thảo luận về tình hình phát triển KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như về giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mới nhất