Thành quả tròn đầy mang dấu ấn lịch sử 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

01/12/2023, 12:15

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã đạt được thành công mang dấu ấn lịch sử.

Tối 30/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc rất thành công chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11 theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.

Với việc hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á và trên thế giới, chuyến thăm thành công trọn vẹn mang dấu ấn lịch sử, làm tròn đầy thành quả 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang mới tươi sáng hơn trong quan hệ hai nước. 

50 năm tròn đầy

Thành quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc lãnh đạo hai nước ra Tuyên bố chung nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy là chỉ sau 9 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hai nước đã một lần nữa nâng cấp quan hệ. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất trong số hơn 500 sự kiện mà hai nước tổ chức trong năm 2023 để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

“Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida thống nhất cùng ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida chia sẻ, ông luôn dành tình cảm yêu mến đất nước, con người Việt Nam, thường xuyên thăm Việt Nam trên nhiều cương vị khác nhau.

“Tôi rất vui mừng vì được tiếp đón ngài Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Việt Nam đến Nhật Bản vào đúng năm lịch sử kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam. Vì hòa bình, thịnh vượng của châu Á và thế giới, chúng tôi đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai bên. Trong tương lai cần thiết phải củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước nên hai bên sẽ cùng xúc tiến hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực”, Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

Trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo, các cơ quan hai nước đã trao 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa.

Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết, thông qua Tuyên bố chung và các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, ODA, lao động...; thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như giảm phát thải, năng lượng sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương; tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Nhật Bản một lần nữa khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027 và sẵn sàng phối hợp hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.

Đánh giá cao việc hai nước nâng cấp quan hệ, Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản, người có nhiều đóng góp thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, cho rằng, sau chuyến thăm này hai nước cụ thể hóa trong giao lưu đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam sắp tới có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn và Nhật Bản có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhật Bản cũng là nơi tiên tiến về công nghệ, Việt Nam cần phát huy nội lực để hợp tác hiệu quả hơn. 

Coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch nước, phía Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn cấp cao sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản và tiếp đó Nhà vua và Hoàng hậu chiêu đãi trọng thị Chủ tịch nước và Phu nhân.

Chủ tịch nước đã có các cuộc hội kiến Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản; gặp gỡ lãnh đạo chính đảng, bạn bè Nhật Bản; dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị…

Đặc biệt, Chủ tịch nước đã đến thăm và phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á, truyền tải thông điệp tới lãnh đạo, nghị sỹ và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển; về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nhìn lại quá trình lịch sử quan hệ hai nước, Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ hai nước là “Lương duyên trời định”, đồng thời chia sẻ tầm nhìn và định hướng lớn để triển khai hiệu quả Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Nhà Vua Minh Trị có câu: “Chỉ suy nghĩ có lợi cho dân mới mãi trường tồn trong xã hội của chúng ta”. Bởi vậy, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện chính là đáp ứng nguyện vọng và phục vụ cho những lợi ích thiết thực, cụ thể cho hơn 200 triệu người dân của hai nước chúng ta. Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn.

Trong chương trình chuyến thăm, Chủ tịch nước dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán tại Fukuoka; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và vùng Kyushu, trong đó có đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước. Chủ tịch nước cũng tiếp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam và các hội, đoàn hữu nghị; thăm Trường Đại học Kyushu…

Phó Giáo sư Lê Thị Thanh Thủy, người đang làm việc tại Trường Đại học Osaka Metropolitan và nỗ lực kết nối đào tạo tiến sĩ và kết nối nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam chia sẻ, lần đầu tiên được gặp Chủ tịch nước và cảm nhận rõ sự chân tình, tấm lòng vì đất nước của Chủ tịch nước.

"Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, không phải về Việt Nam mới đóng góp được cho Việt Nam mà ở ngay những nước sở tại, trở thành một chuyên gia được chính những người Nhật Bản yêu quý, tin cậy và họ trao niềm tin cho mình, thì mình với vai trò là cầu nối không chỉ giúp trong việc đào tạo. Hy vọng với sự quan tâm của Nhà nước đối với trí thức, học thuật, đánh thức nhiều hơn nữa sự quan tâm đến Việt Nam và cùng nhau để chúng ta đi xa hơn, làm được nhiều việc tốt hơn", Phó Giáo sư Lê Thị Thanh Thủy cho biết.

Ni sư Cô Thích Tâm Trí, một nhà sư gốc Việt đang tu hành tại Nhật Bản, cho biết cảm nhận được tình cảm và sự chân thành của Chủ tịch nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài và những chia sẻ về lòng hiếu, lòng nhân, lòng trung. Trong đó, lòng hiếu được hiểu là người Việt Nam thành công thì dù ở nơi đâu cũng đều hướng về quê hương, đất nước. Người Việt Nam tại Nhật vẫn luôn nhớ cội nguồn Việt Nam là quê hương, còn Nhật Bản là ngôi nhà. Đó là nguồn gốc, cách sống của ông cha ta để lại từ ngàn xưa.

Thắm tình “lương duyên trời định”

Một dấu ấn thành công quan trọng nữa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước đó là làm thắt chặt tình cảm gắn bó thân thiết hơn nữa giữa hai nước thông qua nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ thân tình, xúc động với những gia đình homestay Nhật Bản từng đón các thành viên Việt Nam đến ở, sinh hoạt, giao lưu tại nhà mình trong chương trình giao lưu thanh niên giữa hai nước trước đây. Bản thân Chủ tịch nước cũng đã tham gia chương trình này cách đây 30 năm.

Thân mật nhắc đến các gia đình homestay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dùng từ “bố mẹ nuôi” Nhật Bản và “con nuôi” Việt Nam và cho biết, thanh niên Việt Nam hiểu được văn hóa, con người Nhật Bản thân thiện, tình cảm, chân thành, chu đáo và mến khách.

Xúc động gặp Chủ tịch nước, các gia đình homestay đều mong muốn được đón nhiều hơn các thanh niên Việt Nam để thúc đẩy hợp tác thanh niên hai nước, trao đổi văn hóa với người dân địa phương.  

Cũng trong chương trình chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phu nhân cũng đã tham dự chương trình hòa nhạc tại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước với sự tham gia của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương, Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và nhiều lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chương trình có sự góp mặt của nghệ sĩ Piano nổi tiếng - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, một người nhận được nhiều sự tôn trọng tại xứ sở Hoa anh đào. Ông đã cùng nghệ sỹ violon nổi tiếng Nhật Bản Omiya Rintaro đệm đàn cho ca sĩ tài năng Miura Daichi biểu diễn xuất sắc bài hát “Âm hưởng lời ca” do Thái Thượng hoàng Akihito viết lời và Hoàng Thái Hậu Michiko phổ nhạc.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ, Nhật Bản là nước rất trân trọng văn hóa nghệ thuật. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, gần như năm nào ông cũng biểu diễn ở Nhật Bản. Ông cho rằng, âm nhạc gắn kết mọi người lại với nhau, có sức truyền cảm và tạo sự đồng cảm cao giữa con người với con người.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji, người có nhiều đóng góp cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và tham gia biểu diễn tại chương trình hòa nhạc, thì cảm nhận: “Điều tuyệt với là giàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã kết hợp với dàn nhạc giao hưởng NHK cùng biểu diễn các tác phẩm cả hai nước; cùng chia sẻ cảm xúc tại một buổi lễ vô cùng ý nghĩa. Điều đó cho thấy âm nhạc giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và Nhật Bản rất nhiều”.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước cũng đã tham dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và Võ đạo Nhật Bản; cùng Thống đốc Thành phố Tokyo giao lưu ẩm thực là món bánh mì Việt Nam.

Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong chuyến thăm này, Bộ đã hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ 27 loại thiết bị để Bảo tàng lịch sử quốc gia bảo quản, giám định các hiện vật.

Với việc hai nước nâng cấp quan hệ, thời gian tới, việc giao lưu văn hóa với đất nước mà văn hóa có tính đặc trưng, biểu tượng cao như Nhật Bản là rất phù hợp với nước ta. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay luôn lấy văn hóa là động lực phát triển kinh tế xã hội và việc thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt – Nhật sẽ giúp găn kết nhân dân hai nước, góp phần đạt nhiều thành công trong hợp tác thời gian tới. 

Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng: “Người Việt biết nhiều về đất nước Nhật Bản, do đó mong ngày càng nhiều người Nhật Bản hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của nước Việt Nam đối với Nhật Bản. Nguyên tắc cơ bản của việc hợp tác giữa hai quốc gia là sự tin tưởng của nhân dân hai nước lẫn nhau. Đã có rất nhiều lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản và lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam. Những sự kiện như vậy cần được tổ chức thường xuyên”.

Với chương trình 40 hoạt động phong phú, nội dung thực chất, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã đạt được thành công mang dấu ấn lịch sử, thêm tròn đầy thành quả 50 năđom quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra chương hợp tác mới tươi sáng hơn.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất