Các công tố viên lập luận rằng thời gian án phạt được kéo dài vì vai trò của Samsung là một tập đoàn chaebol (còn gọi là tập đoàn gia đình trị) lớn nhất ở Hàn Quốc. Tờ Korea Herald đưa tin: “Samsung là một tập đoàn có sức mạnh áp đảo đến mức người ta nói rằng các công ty Hàn Quốc được chia thành Samsung và không phải Samsung”. Phán quyết cuối cùng dành cho ông Lee dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 18/1/2021.
Vụ án hối lộ nói trên không liên quan đến một phiên tòa khác có sự xuất hiện của Lee, nơi ông bị cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu. Các phiên điều trần liên quan đến vụ án này đã được bắt đầu vào tháng 10 năm nay.
Quay trở lại với vụ án đầu tiên được khởi xướng từ năm 2017. Ở thời điểm đó, ông Lee bị kết tội đưa hối lộ bà Park và cộng sự thân thiết của bà là Choi Soon-sil, với án phạt 5 năm tù. Các công tố viên cáo buộc các khoản hối lộ nhằm đảm bảo sự hậu thuẫn của chính phủ đối với nỗ lực của Lee trong việc giành quyền kiểm soát Samsung từ cha của mình là Lee Kun-hee, người khi đó làm chủ tịch Samsung. Các khoản thanh toán bất hợp pháp là một phần chính trong vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc bà Park bị luận tội, bắt giữ và nhận án tù 25 năm.
Ông Lee được trả tự do vào năm 2018 sau khi bản án được giảm và đình chỉ theo đơn kháng cáo. Sau đó, Lee quay trở lại làm việc với tư cách là người đứng đầu trên thực tế của Samsung, vị trí mà Lee đảm nhận sau khi cha ông bị cơn đau tim vào năm 2014. Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã lật lại phán quyến của tòa phúc thẩm vì cho rằng nó có tính chất quá khoan dung, đồng thời yêu cầu vụ án được xét xử lại tại Tòa án cấp cao Seoul.
Hồi tháng 10, người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc Lee Kun-hee qua đời khi tài sản của ông ước tính đạt khoảng 20,7 tỷ USD. Theo hệ thống thuế của Hàn Quốc, những người thừa kế của ông có thể phải chịu thuế bất động sản khoảng 10 tỷ USD./.