Phương pháp này được áp dụng trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở Quảng Châu. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố công bố mới đây, từ 14 đến20/10, Quảng Châu ghi nhận 497 ca sốt xuất huyết mới, tăng 13,73% so với cùng kỳ tháng trước. Hơn 150 khu vực ở Quảng Châu phải triển khai công tác quản lý bệnh sốt xuất huyết do đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.
Cùng thời điểm, tại làng Hiệp Thạch, quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, một đội chuyên gia thả 300.000-500.000 con muỗi đực đã được triệt sản mỗi tuần để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Theo truyền thông địa phương, công nghệ kiểm soát sinh học “diệt muỗi bằng muỗi” này đã triển khai 7 năm và được chứng minh là hiệu quả. Đến nay trong làng chưa có trường hợp nào mắc bệnh sốt xuất huyết.
Nhà nghiên cứu Cam Nhậm Hiền (Gan Renxian) cho biết, khác với muỗi thông thường, những con muỗi này là muỗi vằn đực (muỗi Aedes albopictus) mang vi khuẩn Wolbachia. Ông gọi những con muỗi này là “muỗi có lợi” hay “muỗi đực triệt sản”.
Ông giải thích thêm: “Những con muỗi đực này không cắn hoặc hút máu, khiến chúng trở thành giải pháp bền vững để giảm quần thể muỗi vằn”. Chiến lược này nhằm mục đích giảm số lượng muỗi vằn bằng cách thả những con đực đã triệt sản, khi giao phối với muỗi cái bên ngoài tự nhiên sẽ đẻ ra những quả trứng không nở và không thể trở thành muỗi.
Theo chuyên gia này, năm nay, do bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, muỗi vằn hoạt động sớm hơn và thời gian hoạt động kéo dài hơn ở Quảng Châu. Chiến lược “kiểm soát muỗi bằng muỗi” này được áp dụng nhằm giảm số lượng muỗi vằn tại địa phương.