Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lao đao, nhiều người thậm chí 'âm' tiền

22/01/2024, 12:21

Khó khăn vẫn bủa vây tầng lớp trung lưu Trung Quốc khi họ nhìn lại năm 2023 và hướng về 2024 - năm thứ hai được kỳ vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài, chứng khoán rơi tự do hay cơn bão cắt giảm nhân sự đang đe dọa tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, với khoảng 400 triệu người. Các nhà kinh tế học cảnh báo, tầng lớp này nguy cơ ngày càng bị thu hẹp nếu nền kinh tế thứ 2 thế giới không phục hồi mạnh mẽ.

Nếu tình trạng không được cải thiện sẽ đe dọa nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng gấp đôi quy mô tầng lớp thu nhập trung bình của Trung Quốc, đe dọa mục tiêu thịnh vượng chung, cũng như tham vọng trở thành một nền kinh tế tiên tiến vào giữa thế kỷ.

Mặc dù không có định nghĩa cụ thể nào về "tầng lớp trung lưu" ở Trung Quốc, nhưng cụm từ này thường được sử dụng mô tả nhóm thu nhập trung bình, được Cục Thống kê Quốc gia định nghĩa là hộ gia đình ba người có thu nhập từ 100.000 nhân dân tệ (345 triệu đồng) đến 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng) mỗi năm.

Nhật báo Kinh tế Trung Quốc cảnh báo nguy cơ tầng lớp trung lưu đang bị thu hẹp và kêu gọi “sự cần thiết và cấp bách” để thúc đẩy tăng trưởng của nhóm này.

Bài viết cho biết: “Các nhóm thu nhập trung bình có ý nghĩa rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và chống lại các thách thức bên ngoài. Tuy nhiên, phần lớn trong nhóm này hiện nay là những người có thu nhập trung bình thấp. Một số thậm chí phải đối mặt với tình trạng công việc bất ổn và nguy cơ bị rớt khỏi tầng lớp trung lớp”.

Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Lao đao trước thách thức

Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc có khoảng 400 triệu người có thu nhập trung bình, tương đương 140 triệu gia đình, chiếm khoảng 30% trong tổng số 1,4 tỷ dân.

Wang Yiming, chuyên gia tư vấn chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết một phần lớn nhóm này nằm sát ngưỡng thu nhập thấp, do đó cần có chính sách hỗ trợ để cải thiện thu nhập cho họ và nâng cao cảm giác được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.

"Phần lớn nhóm này mới chỉ vừa vượt qua ranh giới giữa thu nhập thấp và trung bình. Họ nằm trong số những người dễ bị tổn thương nhất trước cú sốc kinh tế, chẳng hạn như đại dịch. Họ gánh trên vai việc giáo dục con trẻ, chăm sóc người già trong gia đình, chi phí y tế, trong khi vẫn muốn tăng khoản tiết kiệm. Kết quả là buộc phải thắt chặt chi tiêu", ông Wang nói.

Li, một giám đốc kinh doanh vừa tròn 40 tuổi, đã bị sa thải ngay trong những ngày đầu năm 2024, khi công ty cắt giảm quy mô bộ phận tiếp thị.

"Với bất ổn hiện tại, đầu tư vào đâu tôi cũng sợ thua lỗ. Tìm công việc mới cũng chẳng dễ dàng", Li nói.

Người đàn ông trung niên cho biết đang cảm thấy bế tắc và vô cùng lo lắng. Anh gánh trên vai khoản thế chấp mua ô tô, khoản vay cá nhân và chi phí sinh hoạt cho gia đình bốn người.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc (CSI 300) đã giảm 11,4% trong năm 2023 và 5,9% nữa trong hai tuần đầu năm 2024.

Trong khi đó, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục lao dốc. Doanh số bất động sản theo diện tích sàn giảm 8,5% trong năm 2023 xuống còn 112 triệu m2 (1,2 tỷ mét vuông), mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Doanh số theo giá nhà cũng lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, như một đòn giáng mạnh vào hy vọng phục hồi kinh tế vốn đã mong manh vì khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc Wind, lợi suất trung bình dự kiến của các sản phẩm quản lý tài sản trực tuyến một năm cũng chỉ còn 2,79% trong tuần thứ hai của năm 2024, giảm so với mức 4,41% gần hai năm trước.

Winnie Liu, quản lý tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Thâm Quyến, đã đầu tư mua một căn chung cư vào năm 2015, đây từng được coi là phương pháp tích lũy tài sản được các hộ gia đình Trung Quốc ưa chuộng nhất.

Giá căn chung cư này đạt đỉnh 6,3 triệu nhân dân tệ (21,7 tỷ đồng) vào năm 2021, nhưng đã giảm xuống dưới 4 triệu nhân dân tệ (13,7 tỷ đồng).

“Tài sản của tôi đã giảm đi rất nhiều trong hai năm qua, cả bất động sản lẫn các khoản đầu tư tài chính. Tôi mong rằng sẽ không có đợt sụt giảm lớn nào nữa trong năm nay”, Liu nói.

Dù mất khoảng 40% tài sản vì các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản trong nước vào năm ngoái, Liu vẫn coi mình là người may mắn so với những người đầu tư sau năm 2018, thời điểm bất động sản bắt đầu bước vào thời kỳ nguội lạnh.

"Nhiều người thậm chí đã âm tiền", Liu cho biết.

Theo khảo sát của nhà kinh tế Wu Xiaobo, tăng trưởng tài sản của nhóm trung lưu độ tuổi 31 - 40 ở Trung Quốc chậm lại đáng kể trong năm ngoái, khiến tâm lý e ngại chi tiêu gia tăng và dẫn đến sức mua trong nước suy yếu. Chỉ có chưa đến 1/5, tương đương 17,5% nhóm trung lưu được thăm dò, cho biết giá trị tài sản của họ tăng vào năm 2023.

Cựu kỹ sư viễn thông cấp cao Lawrence Huang đã buộc phải đóng cửa trường mẫu giáo của mình vào năm ngoái trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm và sự gián đoạn do ba năm kiểm soát đại dịch COVID-19.

Huang đã không thể hồi vốn trong 6 năm qua khi mở trường mẫu giáo ở quê nhà tỉnh Hà Nam sau khi bị một công ty công nghệ ở Thâm Quyến sa thải.

"Trước đây chúng tôi thu 15.000 nhân dân tệ/năm (51,7 triệu đồng) cho mỗi học sinh, nhưng sau đó phải giảm xuống còn 10.000 nhân dân tệ (34,4 triệu đồng) vì thu nhập của nhiều phụ huynh giảm mạnh. Dù vậy, việc tuyển sinh vẫn chẳng đạt yêu cầu", Huang nói, cho biết thêm đang gánh khoản nợ ngân hàng hàng trăm nghìn nhân dân tệ, cộng thêm tiền vay mượn từ bạn bè và người thân.

Huang trở lại Thâm Quyến vào mùa hè năm ngoái khi nhận được lời đề nghị làm việc từ một công ty nước ngoài nhưng với mức lương thấp hơn.

“Thu nhập tốt như trước hiển nhiên là không còn nữa. Chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì cuộc sống ở tầng lớp trung lưu”, Huang nói.

Theo Khảo sát tài chính hộ gia đình Trung Quốc quý 3/2023 của Trung tâm nghiên cứu và khảo sát tài chính hộ gia đình Trung Quốc, tổng nợ của các hộ gia đình tiếp tục tăng, trong khi tỷ lệ lợi nhuận từ các sản phẩm quản lý tài sản giảm xuống -0,3%, tệ hơn so với mức -0,1% trong quý 2 cùng năm.

Chỉ số phụ về kỳ vọng tài sản và thu nhập của gia đình chỉ đạt 102,1, mức thấp thứ hai kể từ quý 2/2020.

Bên cạnh đó, chỉ số phụ đo lường triển vọng việc làm tiếp tục giảm dưới 100, cho thấy tình trạng co hẹp thị trường lao động kéo dài trong quý thứ ba liên tiếp, dù đã có một chút cải thiện.

"Tiết kiệm chi tiêu là con đường nên làm lúc này. Trước đây tôi hay mua sắm hàng hiệu bình dân, nhưng giờ đây tôi chỉ chọn các thương hiệu nội địa cho bản thân và gia đình", Winnie Liu chia sẻ.

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)

Bài liên quan
Tỷ lệ sinh ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong 45 năm
Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ (NCHS) cho biết, số ca sinh tại nước này đã giảm từ 3.667.758 ca vào năm 2022 xuống còn 3.591.328 vào năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất