
Ưu thế quân sự vượt trội của Nga
Có một thực tế không thể phủ nhận trong cuộc xung đột ở Ukraine là Nga có ưu thế quân sự vượt trội hơn, từ số lượng binh lính, xe tăng, chiến đấu cơ đến UAV và tên lửa. Đặc biệt, hiện nay, sản lượng các loại tên lửa đạn đạo và UAV của Nga đang tăng vọt với chi phí thấp, trong khi các loại tên lửa đánh chặn của phương Tây được sản xuất chậm hơn và tốn kém hơn đáng kể.
Sự mất cân bằng này đe dọa làm quá tải hệ thống phòng không của Ukraine, khiến Kiev dễ tổn thương hơn trước các cuộc tấn công từ trên không. Điều đó cũng là lời cảnh báo cho phương Tây về những rủi ro mà họ có thể phải đối mặt từ các cuộc không kích phối hợp quy mô lớn trong tương lai. Một số nhà quan sát cho rằng, dù chưa thể chắc chắn chiến dịch không kích có giúp Nga giành thắng lợi cuối cùng hay không và Ukraine vẫn kiên quyết bác bỏ các yêu cầu nhượng bộ của Điện Kremlin nhưng các cuộc tấn công này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và đẩy cái giá phải trả của Ukraine lên rất cao.

Chỉ tính riêng tháng 6 vừa qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sản xuất khoảng 195 tên lửa chiến lược, bao gồm từ 60 - 70 tên lửa đạn đạo Iskander-M, 10 - 15 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và 60 - 63 tên lửa hành trình Kh-101.
Sản lượng này đạt được nhờ các đợt mở rộng hạ tầng sau năm 2022 tại Nhà máy Cơ khí Votkinsk, với việc bổ sung 2 xưởng sản xuất mới, 2.500 công nhân cùng các hệ thống khác. Việc tổ chức sản xuất được quản lý tập trung dưới sự điều phối của Rostec và Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật, từ phân công lao động đến thu mua linh kiện và nguyên vật liệu. Toàn bộ chuỗi cung ứng được nội địa hóa và bảo mật, không sử dụng thầu phụ thương mại, cũng không cần thông qua nhiều cấp phê duyệt.
Ngoài ra, sản lượng máy bay không người lái cũng tăng vọt với việc sản xuất dòng UAV Shahed hiện đại, có khả năng hoạt động bán tự động, tăng gấp 7 lần. Các phiên bản Shahed mới được tích hợp chip Nvidia, cảm biến nhiệt và hệ thống định vị chống nhiễu, được quân đội Ukraine mô tả là “một thách thức đối với toàn bộ học thuyết phòng không hiện tại của chúng tôi”.
Phương Tây tụt lại phía sau
Trong khi đó, khả năng sản xuất tên lửa đánh chặn của phương Tây vẫn bị bó hẹp bởi các giới hạn công suất cố định và chậm mở rộng dây chuyền. Năm 2024, Lockheed Martin sản xuất 500 tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE và đặt mục tiêu 600 tên lửa trong năm 2025. Tuy nhiên, công suất tối đa được dự báo chỉ đạt 650 tên lửa vào năm 2027. Kế hoạch mở rộng đang bị trì hoãn do thiếu linh kiện dẫn đường. Dây chuyền sản xuất tên lửa GEM-T tại Đức cũng sẽ chưa thể vận hành trước quý 3 năm sau.
Hiện Ukraine vận hành từ 6 đến 8 tổ hợp Patriot, nhưng kể từ tháng 7, Mỹ đã ngừng chuyển giao tên lửa PAC-3 với lý do cần xem xét tình trạng suy giảm kho dự trữ. Các hệ thống Crotale và SAMP/T của Pháp và Italy triển khai tại Ukraine hiện không hoạt động do đã cạn kiệt hoàn toàn tên lửa đánh chặn. Đến ngày 30/6/2025, các hệ thống Patriot ở tiền tuyến Ukraine cũng không còn quả tên lửa PAC-3 nào trong kho.
Trong quý II năm 2025, Nga đã sản xuất tổng cộng 585 tên lửa các loại. Trong khi đó, số lượng tên lửa đánh chặn PAC-3 từ Mỹ, Nhật Bản và các đối tác châu Âu hiện ở mức 650 quả mỗi năm. Nga duy trì sản xuất theo các chỉ tiêu bắt buộc do nhà nước ban hành, còn các nước NATO vẫn vận hành theo mô hình hợp đồng thời bình, phụ thuộc vào lịch giao linh kiện vốn thường xuyên bị chậm trễ.
Khác biệt lớn nhất nằm ở cơ chế sản xuất và định giá. Nga vận hành dây chuyền sản xuất theo mô hình tích hợp dọc, được nhà nước trợ giá. Giá thành sản phẩm không bao gồm chi phí nghiên cứu, tích hợp hệ thống hay lợi nhuận thương mại. Chi phí sản xuất một quả Iskander-M hiện được ước tính chỉ vào khoảng 400.000 - 500.000 USD, phù hợp với mức giá truyền thống cho các tổ hợp nhiên liệu rắn như Tochka-U hay Kalibr phiên bản đầu.
Các nhà máy như Votkinsk đều thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động theo lịch đặt hàng hằng năm của Bộ Quốc phòng Nga. Từ kim loại tổng hợp, thuốc nổ đến vi điện tử, tất cả linh kiện đều được mua từ các nhà cung ứng nội địa với mức giá cố định. Chi phí năng lượng và vận chuyển được nhà nước chi trả thông qua ngân sách, còn tiền lương nhân công thì theo bảng lương quân đội.
Trong khi đó, phương Tây áp dụng mô hình hợp đồng “chi phí cộng lợi nhuận”. Mỗi quả PAC-3 MSE có giá lên tới 4 triệu USD, bao gồm cả lợi nhuận của nhà thầu phụ, bản quyền linh kiện, khấu hao tài sản và các khoản thưởng hiệu suất. Quy trình sản xuất bị chia nhỏ giữa nhiều nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2. Lockheed Martin hiện chỉ sản xuất được 54 quả tên lửa mỗi tháng tại các cơ sở ở Mỹ theo ngân sách hiện tại.
Không quốc gia NATO nào áp dụng mô hình sản xuất tên lửa phòng thủ tích hợp dọc hoặc miễn lợi nhuận. Với mô hình hợp đồng hiện tại, việc giảm giá thành là điều gần như không thể.
Cái giá phải trả của Ukraine
Một đợt tấn công tiêu chuẩn với 6 tên lửa Iskander thường đòi hỏi Ukraine phải bắn từ 12 đến 18 tên lửa PAC-3 để đánh chặn. Mỗi lần đánh chặn như vậy tiêu tốn từ 48 đến 72 triệu USD, gấp đôi chi phí sản xuất tên lửa đạn đạo hàng tháng của Nga. Trong khi đó, kho tên lửa của Ukraine đang cạn kiệt nhanh hơn khả năng cung cấp. Các nước viện trợ vẫn chưa điều chỉnh mô hình mua sắm để đáp ứng nhịp độ tiêu hao của đối phương.
Đến giữa năm 2025, chưa có nhà cung ứng phương Tây nào tiến hành cải tổ hệ thống nhằm giảm giá thành tên lửa đánh chặn. Cũng chưa có chương trình sản xuất tích hợp quy mô lớn nào được triển khai. Các vướng mắc hợp đồng vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, Nga đang nâng cấp tên lửa để tăng khả năng vượt qua hệ thống phòng không. Các phiên bản Iskander mới sử dụng mồi nhử radar, quỹ đạo bay không đều và thao tác né tránh ở giai đoạn cuối nhằm vô hiệu hóa hệ thống Patriot. Dữ liệu từ Ukraine trong tháng 4 và 5/2025 cho thấy tỷ lệ đánh chặn đang giảm dần trong các đợt tấn công ồ ạt. Việc phải sử dụng quá nhiều tên lửa đánh chặn trong khi hiệu quả giảm khiến kho dự trữ cạn kiệt nhanh hơn.
Các nước phương Tây vẫn duy trì mô hình phòng thủ chính xác, quy mô nhỏ, không có khả năng mở rộng tương ứng với tốc độ tiêu hao hiện nay. Cấu trúc công nghiệp hiện tại không đủ đáp ứng cho các cuộc xung đột đa mặt trận.
Tình trạng chênh lệch kho dự trữ đang trở thành một vũ khí chiến lược. Chênh lệch đơn giá có thể được chuyển hóa thành công cụ gây áp lực dài hạn. Điều này vẫn chưa được phương Tây nhìn nhận đầy đủ, trong khi họ ngày càng dễ tổn thương trước các cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV và tên lửa mà không thể chống đỡ hiệu quả.
Nếu không có thay đổi mang tính hệ thống, tình trạng bất cân xứng này sẽ chỉ càng nghiêm trọng. Thiếu tướng Vladyslav Klochkov của Ukraine đã cảnh báo: “Phải thay đổi ngay bây giờ. Nếu không, thế hệ UAV tiếp theo sẽ buộc chúng ta phải thay đổi".