Làm du lịch từ những tài nguyên sẵn có
Gia đình ông Dương Tài Tin có điểm du lịch sinh thái Sen Araphat ở khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Những ngày này, cả gia đình tập trung tu sửa các nhà chòi, cắt tỉa cây cảnh, trồng thêm hoa... để đón khách nhiều hơn trong dịp Tết sắp tới.
Ông Tin kể, gần 10 năm trước, một số hộ dân ở đây chuyển đổi đất ruộng trũng canh tác lúa không hiệu quả sang trồng sen lấy hạt, lấy ngó. Sau đó, nhiều người tìm đến tham quan, chụp ảnh với sen nên dần dần các gia đình, trong đó có gia đình ông, chuyển sang làm du lịch sinh thái: "Mình cứ trang trí trang trại mình, bước sang năm mới mình phải tu bổ lại, hiện tại còn đang tu bổ. Khi khách đến mình phải đón đàng hoàng, dẫn khách vào chòi. Làm du lịch cần nhất là vệ sinh phải sạch sẽ. Có nhiều khách đến từ thành phố cũng góp ý là ở đây vệ sinh sạch sẽ, chỗ chụp hình lưu niệm cũng đẹp".
Vài năm gần đây cánh đồng sen phía sau khu phố Mỹ Nghiệp là điểm du lịch sinh thái mới, thu hút nhiều đoàn khách du lịch. Trong đó, có cả sinh viên các trường đại học tìm đến để tìm hiểu văn hóa bản địa người Chăm. Khách đến đây ngoài ngắm sen còn được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, được sống trong không gian văn hóa đầy màu sắc, trải dài từ các đền tháp về tận các đường làng, ngõ phố của làng Chăm.
Ông Quảng Đại Thính - Trưởng khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết, khu phố có 448 hộ, đa số làm nghề dệt thổ cẩm, trồng lúa, chăn nuôi và có 4 hộ chuyên làm du lịch sinh thái gắn với cánh đồng sen. Một số hộ dân đã mở dịch vụ homestay để khách có thể ở lại, tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Chăm, như một hình thức du lịch cộng đồng.
"Tại làng Chăm Mỹ Nghiệp này còn lưu giữ nhiều điểm di tích văn hoá, trong đó Kut Chăm là tiêu biểu, ở đây rất nhiều Kut. Ngoài việc bảo tồn nghề dệt truyền thống, ở đây còn phát triển du lịch gắn với làng nghề, riêng khu sen này là điểm mới thu hút rất nhiều du khách đến với Mỹ Nghiệp. Chuẩn bị bước sang năm 2024, hướng của chúng tôi muốn mời 4 - 5 hộ làm du lịch sinh thái này hợp nhau lại, làm các pa-nô, bảng chỉ dẫn cho mới", ông Quảng Đại Thính cho biết.
Còn xã Phước Bình, huyện Bác Ái có đặc thù nằm trong Vườn Quốc gia Phước Bình với khí hậu dịu mát, nhiều vườn cây ăn trái tươi tốt. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư thêm cho vườn cây để làm du lịch cộng đồng.
Anh K’tơ Chinh, người dân tộc Raglai cho biết, trước đây gia đình anh trồng cây bưởi, sầu riêng… chủ yếu bán cho thương lái là chính. Từ ngày địa phương tuyên truyền, vận động bà con trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế thì anh mạnh dạn thực hiện. Trong đó có khu du lịch Tagu Glamping, năm 2023 đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu vào ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ
Anh K’tơ Chinh cho biết thêm: "Khu Tagu Glamping phục vụ cho khách đoàn đi trải nghiệm là chính, thưởng thức các món ăn của người Raglai như gà nướng, cơm lam, cá suối, thịt xiên cây, thịt heo hấp ống tre, nói chung những món đặc sản của địa phương. Qua đó cũng tạo công ăn việc làm cho một số hộ gia đình. Trước đây, vệ sinh môi trường xóm làng mình chưa sạch sẽ cho lắm, sau này có khách phương xa về đây tham quan xóm làng, nhờ đó bà con nhận thức rằng, mỗi nhà phải có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cũng như đường sá cho sạch sẽ hơn so với trước đây".
Tính đến cuối năm 2023, xã Phước Bình đã có trên 60 hộ đầu tư nhà sàn truyền thống của người Raglai gắn với vườn cây ăn trái để làm du lịch. Ông Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, huyện Bác Ái cho biết thêm: "Địa phương xác định 2 mũi nhọn, trồng cây ăn trái gắn với du lịch cộng đồng. Về tiềm năng để khai thác du lịch thì trên đây có các điểm như: Bẫy đá Pi Năng Tắc, thác Cha-pót, trại cá tầm, trại bò tót ở Vườn Quốc gia Phước Bình".
Diện mạo buôn làng khởi sắc
Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lich sinh thái tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp bà con tăng thêm thu nhập mà còn làm thay đổi diện mạo buôn làng.
Như ở vùng đồng bào Chăm khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước bây giờ đã không còn cảnh nắng bụi mưa lầy, mặt đường đầy "ổ voi, ổ gà". Thay vào đó, con đường dài gần 5km nối Quốc lộ 1A vào khu phố Mỹ Nghiệp được trải nhựa, các đường làng, ngõ phố cũng được đổ bê-tông. Trong khu phố, nhiều căn nhà mái Thái mới xây mọc san sát, những khu homestay phục vụ du khách cũng đã hình thành...
Vùng đồng bào Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái cũng vậy, đường làng sạch sẽ với các loại hoa trồng dọc lối đi, hai bên đường là nhà sàn khang trang nằm trong các vườn cây ăn trái.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bà con phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ tạo cảnh quan, làm bảng chỉ dẫn để cho khách đến biết đây là làng du lịch cộng đồng, hoặc mở rộng đường giao thông nông thôn. Địa phương cũng rất quan tâm cho nên đường đi vào xã Phước Bình hiện nay rất đẹp, thuận lợi, khách dễ đi hơn".
Để việc làm du lịch của bà con được vững bền và ngày càng chuyên nghiệp, thời gian tới cấp ủy và chính quyền địa phương ở Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân đoàn kết, chung tay thực hiện. Đồng thời, các địa phương cũng tranh thủ các nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch và đào tạo nhân lực làm du lịch cho các tổ, nhóm cộng đồng.