
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 làm rõ việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường phân cấp mạnh hơn cho địa phương... sẽ giúp công tác xây dựng quy định pháp luật nhanh hơn và minh bạch hơn.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong các quan điểm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn nêu bật tư tưởng tự chủ, tự quản của chính quyền địa phương luôn được nhấn mạnh: Những việc của địa phương do địa phương thực hiện, tự quyết, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm.
Vì thế theo ông Trần Anh Tuấn, Khoản 2 Điều 112 nên nghiên cứu để thể hiện được những nội dung này, từ đó mới từ bỏ tư duy “không biết mà vẫn quản, cái gì không quản được thì cấm”; xóa bỏ tình trạng một việc đã được giao thẩm quyền rồi nhưng vẫn phải hỏi các cơ quan trung ương hoặc các cơ quan liên quan. Điều này cũng góp phần nâng cao sự tự tin trong đội ngũ lãnh đạo địa phương, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích phát triển địa phương.

“Vì vậy, nội dung Điều 112 cần được nghiên cứu sửa đổi mạnh mẽ hơn vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương…”, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị.
Ông Trần Anh Tuấn lấy ví dụ, Khoản 1, Điều 112 quy định “Chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định” cần được sửa đổi theo hướng “Chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương”. Sau đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể. Hoặc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương nếu có thể cần được quy định khái quát ngay tại Hiến pháp này, ít nhất cũng là những vấn đề mang tính nguyên tắc để quy định cụ thể tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ông Tuấn cũng đề xuất nên đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính và thay chế độ lãnh đạo tập thể bằng chế độ thủ trưởng. Chuyển như vậy, vẫn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Với các sửa đổi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và đẩy mạnh phân quyền giữa Trung ương và địa phương, cần chú ý vấn đề chuyển 1 số thẩm quyền của Quốc hội và của Chính phủ cho chính quyền địa phương ngay tại Hiến pháp. Ví dụ như thẩm quyền của Quốc hội quyết định thu chi ngân sách địa phương (Khoản 4 Điều 70); về quản lý biên chế…
Dù phân cấp, phân quyền, tính chủ động cho địa phương, nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần chú ý vấn đề tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong việc kiểm soát quyền lực khi thực hiện phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương và để thực hiện quản trị địa phương hiệu quả.
Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề xuất, Khoản 1 Điều 112, cần bổ sung nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Với khoản 2, Điều 112, ông Nguyễn Văn Phúc, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định, thực hiện và chịu trách nhiệm về các vấn đề của địa phương do pháp luật quy định; chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính Trung ương; giữa chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính tương đương và chính quyền địa phương cơ sở dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính tương đương và giữa các chính quyền địa phương trong mỗi cấp chính quyền địa phương.
Còn theo TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo mục tiêu: “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến Hiến pháp năm 2013 nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, mở đường cho cải cách và phát triển.

Cũng theo ông Đường, theo báo cáo của Chính phủ có khoảng 19.220 văn bản trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của trung ương, 18.040 của địa phương.
Theo đó, một mặt phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật hiện có để thể chế hóa kịp thời, sâu sắc tổ chức bộ máy theo mục tiêu đã đề ra. Mặt khác, phải tiếp tục xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới để cải cách sâu rộng bộ máy quản lý Nhà nước, làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động minh bạch, phân cấp, phân quyền, rành mạch trong các hoạt động, nhất là hoạt động về kinh tế, tài chính, ngân sách, tài nguyên môi trường…
“Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý để giao quyền, ủy quyền, tự chủ, tự quyết cho cá nhân và chính quyền các cấp. Đồng thời với quá trình đó, phải coi trọng việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước một cách chặt chẽ, đảm bảo cho việc phân cấp, phân quyền được thực hiện nghiêm túc, phòng chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực…”, ông Trần Ngọc Đường kiến nghị.