TS. Nguyễn Tùng Lâm: Kỷ luật trong giáo dục phải là cơ hội để học sinh sửa sai

Thu Hằng/VOV.VN (thực hiện) | 27/05/2025, 09:05

Theo chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, trong giáo dục, kỷ luật không nên hiểu là trừng phạt, mà phải xem đó là một cơ hội để học sinh nhìn lại bản thân và sửa sai.

Đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh của Bộ GD-ĐT vi phạm đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, người sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - ngôi trường nổi tiếng với mô hình giáo dục dành cho học sinh “cá biệt”.

PV:Nhiều ý kiến lo ngại bỏ hình thức đình chỉ với học sinh thì nguy cơ kỷ luật trường học bị lung lay, gây khó khăn cho công tác quản lý. Là một chuyên gia tâm lý giáo dục và là một nhà giáo hơn 30 năm qua cảm hóa hàng ngàn học sinh “cá biệt”, quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Tùng Lâm:Theo tôi, bỏ hoàn toàn hình thức đình chỉ học thì chưa thực sự hợp lý. Trong giáo dục, kỷ luật không nên hiểu là trừng phạt, mà phải xem đó là một cơ hội để học sinh nhìn lại bản thân và sửa sai. Ở nhiều nước, người ta vẫn áp dụng đình chỉ học, nhưng không phải để loại bỏ học sinh ra khỏi trường lớp, mà là cơ hội để học sinh học lại từ chính lỗi lầm của mình. Điều quan trọng là phải phân biệt rõ vi phạm kỷ luật học đường và vi phạm pháp luật. Với những hành vi nghiêm trọng, hình thức xử lý phù hợp là điều cần thiết.

Còn việc Bộ GD-ĐT bỏ hình thức đuổi học thì tôi ủng hộ, vì điều đó không mang tính giáo dục, mà nhiều khi còn đẩy học sinh ra ngoài vòng kiểm soát. Tuy nhiên, hình thức đình chỉ học tạm thời thì vẫn nên giữ. Nhưng đình chỉ ở đây không có nghĩa là “đuổi học” các em về nhà rồi để mặc. Thay vào đó, học sinh vẫn cần đến trường để được hỗ trợ, tư vấn, làm việc với giáo viên chủ nhiệm, bộ phận tâm lý học đường.

PV:Vậy theo TS làm thế nào để có thể cân bằng giữa tính kỷ luật và tính giáo dục đối với học sinh?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Mỗi học sinh có hoàn cảnh và thái độ khác nhau, vì vậy không thể có một công thức chung cho tất cả. Việc xử lý vi phạm cần căn cứ cụ thể vào từng trường hợp. Điều quan trọng là nhà trường phải có thời gian quan sát, trao đổi và đồng hành cùng học sinh, thay vì xử lý máy móc. Nếu học sinh nhận ra lỗi lầm trong một môi trường tích cực, các em sẽ có cơ hội thay đổi.

Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò; chúng tôi nhìn vào những điều tốt mà các em đã làm được. Bản thân thầy cô sẽ tự hào khi có cách giáo dục phù hợp, giúp học trò vượt qua được chính mình.

PV:Vậy cụ thể, thầy cô ở Trường Đinh Tiên Hoàng đã có biện pháp gì để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình?

TS. Nguyễn Tùng Lâm:Tại Trường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi áp dụng nguyên tắc “5 tự”: Tự học, tự chủ, tự trọng, tự tin và tự chịu trách nhiệm. Trong đó, tự chịu trách nhiệm là điểm mấu chốt. Học sinh cần hiểu rõ mình làm sai điều gì, hậu quả ra sao và điều đó được thể hiện bằng việc ra Hội đồng kỷ luật, chứ không chỉ là kiểm điểm qua loa. Kỷ luật là một biện pháp giáo dục để giúp học sinh hình thành nhân cách và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Tôi cũng không đồng tình với việc cho học sinh nghỉ học ở nhà. Bởi nhiều gia đình không có điều kiện giáo dục hoặc theo dõi con cái sát sao. Nếu các em bị cho nghỉ ở nhà vài ngày, đôi khi điều đó lại biến thành... “kỳ nghỉ” - ăn chơi, ngủ nghỉ thoải mái. Thay vào đó, lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, bộ phận tham vấn phải giúp học sinh nhận ra thiếu sót của mình. Quá trình ấy có thể học sinh phải dừng học từ 1-5 ngày, tùy mức độ nhận thức của học sinh cũng như lỗi các em vi phạm, nhưng bắt buộc các em phải đến trường để được hỗ trợ, tư vấn.

PV:Vậy, cụ thể trong quá trình giáo dục học sinh vi phạm, trường của ông áp dụng những phương pháp nào?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Chúng tôi yêu cầu học sinh vi phạm kỷ luật viết 5 điều suy ngẫm để thay đổi bản thân sau mỗi lần vi phạm. Người thầy cũng chính là yếu tố quyết định sự thành bại trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cũng cần chỉ đạo các phương pháp giáo dục tích cực với những học sinh vi phạm. Kỷ luật không phải để dọa nạt, sỉ nhục hay trấn áp học sinh mà nó phải là một phương pháp giáo dục hiệu quả giúp học sinh biết chịu trách nhiệm về những hành vi thái độ chưa đúng của mình rồi rồi tự thay đổi bản thân một cách bền vững.

PV:Xin cám ơn TS!

Bài liên quan
Các “mảnh ghép” cần được khớp nối hài hòa để giáo dục phát triển bền vững
VOVLIVE - Giáo dục Việt Nam đang đứng trước cơ hội đổi thay chưa từng có. Những chính sách mang tính bước ngoặt như: miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đổi mới lương giáo viên, yêu cầu tuyển dụng đủ giáo viên như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang dần định hình lại diện mạo của hệ thống giáo dục phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ báo chí
VOVLIVE - Ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm.
Mới nhất