
Thảo luận hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương; khơi thông sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước đạt các mục tiêu đến năm 2030 và 2045...
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định, thẩm quyền quyết định về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước; tiếp tục thảo luận về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương, tỉnh, xã, thời gian điều chỉnh dự toán...
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nếu không điều tiết hợp lý ngân sách Nhà nước thì Chính phủ sẽ phải đi vay để đầu tư. Do vậy, điều quan trọng nhất là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả, điều hành kinh tế vĩ mô tốt và đảm bảo phát triển toàn diện, bao trùm, công bằng giữa các vùng miền.

PV: Nhiều ý kiến còn băn khoăn về tỉ lệ chia ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương. Phó Thủ tướng có thể cho biết mục tiêu điều tiết ngân sách, đặc biệt trong việc đầu tư cho các tỉnh nghèo và các dự án hạ tầng kết nối?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Thủ tướng Chính phủ đã phải điều tiết đáng kể nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường cao tốc, hay các công trình mang tính kết nối giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là đầu tư cho các tỉnh nghèo.
Ví dụ, các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum khó có thể tự huy động vốn để đầu tư hạ tầng kết nối, do đó trung ương phải điều tiết để hỗ trợ.
Ngược lại, các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng có nguồn thu từ đất rất lớn, quy mô ngân sách dồi dào và thường xuyên vượt thu. Điều này một phần nhờ vào điều kiện địa kinh tế thuận lợi và việc được trung ương đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng từ trước.
Do đó, việc điều tiết ngân sách (bao gồm cả nguồn thu từ đất) là cần thiết để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và hỗ trợ các địa phương khác, đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân đối.
PV: Theo ông, việc điều tiết như vậy có giải quyết được tình trạng địa phương có nhiệm vụ chi nhưng ngân sách lại không giải ngân được không?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Không, Luật Ngân sách quy định ngân sách của chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp quyết định. Trung ương không can thiệp vào việc này. Tuy nhiên, việc chi tiêu phải tuân thủ đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ.
Ví dụ, chi đầu tư phải theo trình tự, thủ tục, định mức, dự toán do Bộ Xây dựng hoặc Chính phủ quy định. Còn quyết định chi bao nhiêu, làm công trình nào cụ thể là thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.
Việc phân cấp cụ thể hơn nữa (ví dụ từ HĐND tỉnh cho Chủ tịch UBND tỉnh) cũng do HĐND tỉnh quyết định. Việc phân bổ ngân sách cho các tỉnh được Chính phủ báo cáo Quốc hội ngay từ khi lập dự toán đầu năm và được công khai, minh bạch.
PV: Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội dường như không muốn thay đổi thẩm quyền phân bổ ngân sách hiện tại của Quốc hội?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Về thẩm quyền của Quốc hội, cần hiểu đúng: Hiến pháp quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương. Còn dự toán ngân sách địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định. Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương đến từng ngành, từng bộ và từng tỉnh, chứ không phân bổ chi tiết từng hạng mục trong ngành đó.
Khi có thay đổi lớn cần tăng dự toán (ví dụ, tăng chi cho khoa học công nghệ từ mức 3% đã duyệt), Chính phủ phải trình Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, không phải hành pháp và không có bộ máy chuyên môn để thực hiện chi tiết việc điều hành ngân sách.
Việc này thuộc về Chính phủ, bao gồm điều hành, phân bổ chi tiết, quản lý và quyết toán ngân sách (ví dụ, trong 20% chi cho giáo dục - đào tạo hay 3% cho khoa học công nghệ, Chính phủ quyết định chi đầu tư bao nhiêu, chi thường xuyên bao nhiêu và trong chi thường xuyên, Bộ trưởng quyết định chi lương, mua sắm cụ thể).
Đây chính là vấn đề phân cấp và phân quyền. Phân cấp là giao nhiệm vụ cho cấp dưới thực hiện. Phân quyền là giao quyền hạn cho cấp dưới và cấp dưới phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
PV: Về phân chia ngân sách trung ương và địa phương, cụ thể là tiền thu sử dụng đất, Hà Nội và TP.HCM hiện được giữ lại 100%. Nếu sắp tới tỷ lệ này giảm, trong khi TP.HCM có nhiều dự án lớn như đường sắt đô thị, liệu có ảnh hưởng nhiều không, thưa ông?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Hiện tại, TP.HCM được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, nhưng sắp tới có thể sẽ điều chỉnh giảm. Điều này là hợp lý vì theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, tiền sử dụng đất là nguồn thu quốc gia chứ không chỉ của riêng địa phương nào.
Các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng là nơi tập trung nguồn thu này, nhưng cũng là những nơi đã được đầu tư hạ tầng rất nhiều qua nhiều thời kỳ.
Do đó, việc điều tiết lại một phần nguồn thu từ các thành phố lớn là cần thiết để Chính phủ có nguồn lực đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường liên tỉnh, cảng biển và hỗ trợ các địa phương nghèo không có nhiều nguồn thu từ đất…
Nếu không điều tiết hợp lý, Chính phủ sẽ phải đi vay để đầu tư. Điều quan trọng nhất vẫn là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả, điều hành kinh tế vĩ mô tốt và đảm bảo phát triển toàn diện, bao trùm, công bằng giữa các vùng miền.
Ai cũng muốn giữ lại toàn bộ nguồn thu để chi tiêu, nhưng nếu vậy thì ai sẽ lo cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới? Không thể chỉ nói rằng tỉnh giàu là do lãnh đạo giỏi – hãy thử đưa một người "giỏi" từ thành phố lớn lên làm Chủ tịch Bắc Kạn xem có điều hành được tốt hơn lãnh đạo hiện tại không! Thực tế quản lý ngân sách phải phù hợp với điều kiện từng địa phương và tổng thể quốc gia.
PV: Xin cám ơn Phó Thủ tướng!