Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, giá trị kinh tế lớn

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 12/12/2023, 22:32

Phát biểu tại tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức sáng 12/12, các đại biểu cho rằng, TP.HCM cần nhìn rộng ra các lợi ích dọc bờ sông chứ không nên chăm chăm nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản.

Các đại biểu đánh giá, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TP.HCM. Đây là một thành phần quan trọng trong tổng số hơn 900 km mạng lưới giao thông thủy tại TP. Với lợi thế uốn lượn đi qua nhiều khu vực, sông Sài Gòn cho phép thành phố phát triển giao thông đường thủy, xây dựng bến bãi giao thương hàng hóa thuận lợi. Dọc theo bờ sông Sài Gòn là những địa điểm quan trọng, trong đó có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Bến Nhà Rồng, Chợ Lớn, Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bình Đông... và những công trình hiện đại như cầu Ba Son, Công viên bến Bạch Đằng, tòa tháp Landmark…

Do đó, phát triển đường sông, đường biển là một yếu tố rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế. Việc phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ... Người dân cũng sẽ được hưởng lợi nếu thành phố phát triển kinh tế sông Sài Gòn gắn với cộng đồng, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ hiện nay. Tuy nhiên, TP.HCM cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông chứ không chỉ nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản. 

Các chuyên gia cũng nhận định, phát triển đường sông, đường biển là một yếu tố rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế. Do đó TP cần tạo điều kiện hoạt động cho các du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa, dòng sông giao thông và dòng sông kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỷ USD mỗi năm nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức nói: "Làm sao để gia tăng số lượng bến neo, bến đậu, bến thủy nội địa… thì các hành lang kinh tế ven sông đi theo các bến, các giá trị sẽ phát triển theo. Như vậy các du thuyền, các ca nô, khách du lịch trên hệ thống ven sông sẽ hoàn toàn gia tăng và giúp làm quen văn hóa trên sông, giảm tải áp lực giao thông".

Trao đổi tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, TP đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80km để kết nối với vùng Đông Nam bộ. Hiện các sở ngành thành phố đang nghiên cứu sơ bộ đường ven sông, đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới Bình Triệu dài khoảng 4 km.

Theo ông Bùi Hòa An, đường ven sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Tuyến đường này cũng kết nối Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Bài liên quan
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn trị giá 1000 tỷ đồng sẽ là điểm check-in thú vị
Cầu đi bộ nối 2 bờ sông Sài Gòn, nối 2 trung tâm lớn của TP.HCM là công trình có ý nghĩa nhân văn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn cảnh quan.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.
Mới nhất