Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn trị giá 1000 tỷ đồng sẽ là điểm check-in thú vị

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 04/12/2023, 15:21

Cầu đi bộ nối 2 bờ sông Sài Gòn, nối 2 trung tâm lớn của TP.HCM là công trình có ý nghĩa nhân văn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn cảnh quan.

Phát biểu lại Lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn giữa Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Công ty Nutifood) sáng 4/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, có tính biểu tượng của Thành phố và sẽ là điểm check-in cho người dân, du khách.

Theo biên bản kí kết, Công ty Nutifood sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà TP đã phê duyệt. Tổng kinh phí tài trợ ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Ngay sau lễ ký kết, UBND TP.HCM sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng và phương án thiết kế cho Nutifood.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood cho biết, việc công ty tặng TP.HCM cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nhằm bày tỏ sự tri ân với người dân, với Thành phố và cũng là động lực để công ty nỗ lực hơn nữa.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Trương Trung Kiên, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài khoảng 500m, bắc từ công viên bến Bạch Đằng (quận 1) qua Quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Cầu được thiết kế hình tàu lá dừa nước, gợi nhớ hình ảnh thân thuộc, dân dã trong quá khứ của vùng đất phương Nam. Bên cạnh phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho người đi xe đạp và người khuyết tật. Trong trường hợp khẩn cấp, xe cứu thương cũng có thể di chuyển lên cầu.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cầu đi bộ nối 2 bờ, nối 2 trung tâm lớn của TP.HCM sẽ giúp phát huy tất cả các nguồn lực để phát triển. Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn cảnh quan. Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ là tác phẩm đạt giải cuộc thi của liên doanh có uy tín thế giới. Từ ý tưởng này, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đã phê duyệt.

“Cầu đi bộ này nối liền hai bờ sông Sài Gòn không chỉ là một công trình giao thông, công năng đi qua lại hai bờ mà nó là công trình kiến trúc, điểm nhấn của sông Sài Gòn vốn là điểm nhấn của TP.HCM… Cầu sẽ là điểm check-in người dân và du khách đến đây nên nó không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn ý nghĩa biểu tượng”, ông Mãi cho hay.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các sở, ngành phải xác định đây là “Công trình có tính biểu tượng của Thành phố”, cùng tham gia để làm sao quá trình thi công đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn, tính mỹ thuật cao. Các bên có liên quan cần khẩn trương chuẩn bị để khởi công công trình trước ngày 30/4/2025, chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài liên quan
Những điểm du lịch hút khách không cần bay từ TP.HCM
Không cần bay tốn kém, từ TP.HCM, chỉ cần di chuyển bằng tàu lửa hoặc ô tô vài tiếng đồng hồ, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt... đã giang tay đón bạn để khám phá.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất