Raymonde Dien - Một trái tim luôn hướng về Việt Nam

Quang Dũng/VOV-Paris | 24/08/2022, 08:47

Tình yêu Việt Nam mãi luôn mãnh liệt trong trái tim của Raymonde Dien, kể cả khi trái tim ấy vì tuổi già, sức yếu vừa mới ngừng đập. Chỉ cần lắng nghe lại những gì bà tâm sự về Việt Nam, về Bác Hồ là chúng ta có thể cảm nhận ngay được.

Cuốn nhật ký kể lại cuộc đời của người nữ chiến sỹ vì hòa bình từ thưở thơ ấu trong một gia đình công nhân, nông dân nghèo tại ngôi làng nhỏ Mansigné. Khi ấy, cô bé Raymonde đã phải chịu đựng nhiều đau đớn mất mát vì chiến tranh: ông ngoại chết ngạt trong những chiến hào thời thế chiến thứ nhất, bố bị phát xít bắt giam ba năm tại Áo. Raymonde đã lớn lên trong những thời khắc đen tối nhất phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp. Cùng với anh trai và chị gái, cô cố gắng phụ giúp mẹ công việc dọn dẹp và giặt giũ thuê để kiếm sống qua ngày. Tuổi thơ phải gánh chịu nhiều đau đớn của chiến tranh đã nung đúc trong trái tim cô gái nhỏ tình yêu và nhiệt huyết chiến đấu mãnh liệt vì hòa bình.

Cuộc gặp gỡ với Việt Nam

Sau 2 phần ngắn gọn về tuổi thơ và gia đình, bà Raymonde Dien dành 7 phần còn lại của cuốn sách viết về những gắn bó với Việt Nam, từ “Cuộc gặp gỡ với Việt Nam”; “Cuộc biểu tình ngày 23/2/1950 rồi tôi bị bắt giữ”; “Phiên tòa của tôi”, “Tôi được trả tự do” ; “Những ký ức của người nữ anh hùng”; “Chuyến thăm Việt Nam năm 2004” …

Sẽ là không quá lời nếu nói rằng cả cuộc đời Raymonde Dien đã đấu tranh vì hòa bình và vì Việt Nam. Năm 1947, cô gái trẻ gần 19 tuổi đã theo bước người cha cũng là một chiến sỹ cộng sản dũng cảm, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1949, bà kết hôn với ông Paul Dien - một đảng viên cộng sản tích cực – người luôn ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ cho bà, nhất là những năm tháng bị tù đầy.

Ngày 23/2/1950 lịch sử

Buổi sáng ngày 23/2/1950 lịch sử, được bà Raymonde kể lại tường tận trong cuốn nhật ký, khi đảng viên trẻ mới hơn 20 tuổi tham gia cùng hàng ngũ các đảng viên và quần chúng ưu tú biểu tình phản đối đoàn tàu chở vũ khí sang tiếp viện cho cuộc chiến tại Đông Dương. Khi đoàn tàu lạnh lùng sắp vượt qua thì bà cùng một đồng chí của mình, không ai bảo ai, không màng đến tính mạng bị đe dọa, đã nằm xuống đường ray để chặn đứng đoàn tàu.

Bà kể lại: “Khi tàu tới gần, cảm xúc trong tôi sục sôi, tôi cùng một đồng chí khác đã nằm xuống đường ray để buộc đoàn tàu phải dừng lại. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng mỗi ngày có biết bao người gồm cả phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị giết bởi cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp; biết bao nhiêu trường học, bệnh viện, ngôi chùa bị phá hủy. Và chúng tôi muốn làm một điều gì đó để chấm dứt cuộc chiến! Buổi chiều hôm đó, khi tôi chỉ có một mình trong văn phòng, 4 viên cảnh sát đã tới bắt giữ tôi và đưa tôi quay trở lại địa điểm nơi đoàn tàu dừng lại, những người lính trên tàu đã nhận ra tôi. Rồi tôi bị đưa về tạm giam tại nhà tù Tours mà không thể báo cho gia đình”.

Ngày đó, 7 tháng sau đám cưới, cô gái trẻ nói với chồng là tối sẽ về muộn một chút để đi thăm bạn; và chỉ trở về nhà 10 tháng sau đó. 3 tháng đấu tranh kiên cường với cảnh sát, bà luôn kiên định giải thích cho hành động của mình bằng sự thật rằng: “Tôi là một người cộng sản, tôi phản đối chiến tranh, tôi mong muốn hòa bình cho tất cả người dân trên thế giới”. Phong trào kêu gọi trả tự do cho Raymonde Dien ngày càng mạnh mẽ tại Pháp và trên phạm vi toàn cầu ở thời điểm đó, khuấy động các hoạt động ủng hộ hòa bình và tiếp sức cho các dân tộc bị áp bức như Việt Nam.

Phiên toà đậm tính chất chính trị

Phiên tòa xét xử Raymonde Dien tại Tòa án quân sự Bordeaux vào các ngày 31/5-2/6/1950 vì thế trở thành một sự kiện lớn mang tính chất chính trị, như cú đấm mạnh vào chính sách chiến tranh của chính quyền thực dân Pháp.

Hai tuần trước phiên tòa, vào sinh nhật 21 tuổi ngày 13/5/1950, Raymonde nhận được món quà vô cùng đặt biệt: Bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dòng chúc: “Chúc mừng sinh nhật! Mong ước cháy bỏng nhất của Việt Nam là bước trên chặng đường mà nước Pháp từng đi vào năm 1789, đó là đấu tranh và giải phóng dân tộc!”.

Bất chấp những lời kêu gọi của người yêu chuộng hòa bình bảo vệ Raymonde Dien, các thẩm phán xét xử phiên tòa đã bắt đầu với những tuyên bố cứng rắn rằng sẽ không dung thứ cho các hành động biểu tình và sẽ xét xử vụ này với những hình phạt nặng nề nhất.

Thậm chí, Raymonde Dien còn bị kết tội vi phạm an ninh quốc gia theo điều 76, trang 2, luật Hình sự; mà áp dụng từ tháng 3/1950, có thể bị kết án tử hình. Sự vào cuộc hết mình của các luật sư cũng như những người dũng cảm đứng ra làm chứng cho bà, cùng làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng yêu chuộng hòa bình, đã tiếp thêm sức mạnh cho cô gái bé nhỏ Raymonde Dien. Tất cả đều nêu bật những tội ác của quân đội Pháp gây ra tại Việt Nam, tại Đông Dương; giết hại biết bao dân thường Việt Nam cũng như gây tổn thất hy sinh cho không ít binh sỹ trẻ người Pháp, làm đau đớn biết bao gia đình tại Pháp. 

Bà Marie-Claude Vaillant-Couturier, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế phụ nữ dân chủ đã phát biểu trước tòa: “Khi chúng ta chiến đấu chống sự chiếm đóng của phát xít, đó không chỉ là quyền hành động mà là cả nghĩa vụ của chúng ta. Vậy thì giờ đây cũng là quyền hành động và cả nghĩa vụ của nhân dân Việt Nam đứng lên bảo vệ độc lập dân tộc của họ. Và về phía Pháp, chúng ta cũng có nghĩa vụ phải ngăn chặn một cuộc chiến tranh tội ác. Thưa ngài Chủ tọa, trên khắp nước Pháp, có hàng triệu người mẹ biết ơn hành động của Raymonde Dien, vì họ cũng mong muốn hòa bình”.

Về phía các luật sư bào chữa cho Raymonde Dien, luật sư Robert Bry nói: “Raymonde giờ là thành viên của tất cả các gia đình Pháp”. Luật sư Michel Bruguier nói : “Raymonde đã tự bào chữa tốt nhất cho cô ấy, giỏi hơn bất kỳ luật sư nào, bằng chính tuổi trẻ và khát khao cuộc sống tỏa sáng từ con người cô ấy… Cô ấy muốn Hòa bình. Hòa bình mà nước Pháp cũng cần để cứu vớt danh dự và sự tồn tại của đất nước chúng ta! Hòa bình cho Việt Nam! Hòa bình cho mọi người dân trên thế giới! Không được kết tội Hòa bình!”.

Bất chấp tất cả, tòa tuyên án Raymonde Dien 1 năm tù giam. Lời cuối trước phiên tòa, Raymonde đanh thép tuyên bố: “Tôi đã chiến đấu quyết liệt từ 4 tháng qua và sẽ tiếp tục chiến đấu phản đối cuộc chiến tranh mà tôi ghê tởm”. Những năm tháng tù đầy khổ ải kéo dài, nhưng Raymonde đã viết: “Dù tôi mới 21 tuổi, tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, tôi không cảm thấy cô độc, mà ngược lại, tôi luôn tin tưởng những người Pháp chính nghĩa sẽ đấu tranh vì tôi”. Mỗi ngày, tại nhà tù Bordeaux, Raymonde Dien đều nhận được nhiều bức thư động viên từ người dân Pháp cũng như nhiều nước trên khắp thế giới.

Trái tim luôn hướng về Việt Nam

Ngày 24/12/1950, sau 10 tháng tù giam, Raymonde Dien được trả tự do, 48 tiếng trước buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp - mà bà nhớ ngay tới sự tham gia sáng lập của đảng viên cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc tại thành phố Tours vào năm 1920.

Cả cuộc đời của mình sau đó, bà tham gia tích cực các hoạt động phản đối chiến tranh tại Việt Nam; tham gia Hội hữu nghị Pháp - Việt để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc sau chiến tranh; tích cực viết các bài báo ủng hộ giải phóng cho các dân tộc, cũng như độc lập và bình đẳng cho phụ nữ. Raymonde Dien trở thành một biểu tượng hòa bình toàn cầu, được đặt tên nhiều đường phố cũng như dựng tượng tại một số quốc gia.

Tình yêu Việt Nam mãi luôn mãnh liệt trong trái tim của Raymonde Dien, kể cả khi trái tim ấy vì tuổi già, sức yếu vừa mới ngừng đập. Chỉ cần lắng nghe lại những gì bà tâm sự về Việt Nam, về Bác Hồ là có thể cảm nhận ngay được.

Theo bà Raymonde Dien: “Rất đông người dân Việt Nam đã ra đón chúng tôi ở ga Hà Nội. Tất cả mọi người đều muốn ôm lấy chúng tôi. Khoảnh khắc đó vô cùng cảm động. Tôi và Henri Martin ở lại Hà Nội và tham dự Đại hội Thanh niên và nhận được sự đón tiếp không thể nào quên được.

Và khi sắp bắt đầu Đại hội, chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến. Người gọi tôi lại ngồi cạnh Người, tôi thực sự rất kinh ngạc, tôi không nghĩ một người Pháp bé nhỏ như tôi lại được ngồi cạnh vị Chủ tịch vĩ đại mà tôi được nghe nói đến rất nhiều và cả thế giới ngưỡng mộ nhưng Người lại gần gũi, giản dị và thân thương đến thế”.

Trong cuộc đời mình, Raymonde Dien dành những tình cảm đặc biệt cho vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam như chính nhà văn Dominique De Miscault - người viết tựa cho cuốn nhật ký - đã viết ngay từ dòng đầu tiên: “Hồ Chí Minh với Raymonde, đó là một con người đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng rất bình dị và khiêm nhường, rộng lượng, bao dung và tình cảm. Nước Pháp và nhân dân Pháp, rất được Người trân trọng”…/.

Bài liên quan
Vĩnh biệt bà Raymonde Dien - Một người bạn lớn của Việt Nam
Ngày 19/8/2022, bà Raymonde Dien, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, một biểu tượng yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, một người bạn lớn của Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 93.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất