Thái độ trái ngược của Mỹ ở 2 thời điểm
Vào tháng 12/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Washington và được coi như một người hùng trong phiên họp chung của Quốc hội. Ông nhận được 18 tràng pháo tay từ các nghị sĩ Mỹ khi ông nói về nỗ lực kháng cự qua 10 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine "sẽ không bao giờ đầu hàng" chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine "lâu nhất có thể" - một khẳng định mà ông Biden và những người đồng cấp châu Âu đã luôn lặp lại kể từ đó.
Tuy nhiên, giờ đây ông Zelensky khó có thể nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt như vậy tại Quốc hội Mỹ. Các nhóm nhỏ những thành viên đảng Cộng hòa cực đoan từng chế giễu buổi tiếp đón dành cho ông và số tiền khổng lồ Mỹ hỗ trợ Ukraine năm 2022 giờ đây đang có tiếng nói lớn hơn vào năm 2024.
Sự hoài nghi của họ về việc ủng hộ cho Ukraine được nhấn mạnh bởi cả ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và người đồng hành tranh cử của ông - Thượng nghị sĩ JD Vance. Cựu Tổng thống Trump từng thể hiện thái độ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thờ ơ với nỗ lực chiến đấu của Ukraine, trong khi ông Vance đã nói rõ mong muốn chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và bị ông Zelensky mô tả là có quan điểm "quá cực đoan".
Tháng trước, Tổng thống Zelensky đã thảo luận về các nội dung trong "kế hoạch chiến thắng" của mình tại Mỹ, tham gia các cuộc họp với những người đối thoại chủ chốt của Washington sau khi dự phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sự xuất hiện của ông với ông Trump đã thu hút nhiều chú ý vì đây là cuộc gặp có phần kỳ lạ.
Cựu Tổng thống Mỹ từng ca ngợi "mối quan hệ rất tốt" của mình với ông Putin. Còn ông Zelensky, đứng cạnh ông, đã phải rất vất vả nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột đã khiến nhiều người thiệt mạng và Nga đang chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine.
Sau cuộc gặp, ông Zelensky đã đăng trên mạng xã hội rằng: "Chúng tôi có quan điểm chung rằng cuộc xung đột ở Ukraine phải chấm dứt. Tổng thống Putin không thể chiến thắng. Ukraine phải giành chiến thắng". Về phần mình, ông Trump không đăng bất kỳ bài viết nào về mong muốn giành chiến thắng của Ukraine và cảnh báo nếu ông thua trong cuộc bầu cử sắp tới trước Phó Tổng thống Kamala Harris, cuộc xung đột "sẽ không bao giờ kết thúc và dần chuyển sang Thế chiến III".
Không chỉ các ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa mà trong lưỡng đảng Mỹ, sự hoài nghi và mệt mỏi đang xuất hiện. Ngay cả ở một số người ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine cũng nhận ra rằng đồng hồ đang điểm đối với khả năng của phương Tây để duy trì nỗ lực chiến đấu của Kiev.
Tình hình chính trị trong nước và cái bóng của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là một phần nguyên nhân nhưng diễn biến trên thực địa ở Ukraine cũng nói lên nhiều điều.
Kết cục khác xa kỳ vọng của Ukraine
Ukraine đang kiệt sức trong cuộc xung đột hiện nay, bị áp đảo về quân số và vũ khí bởi nguồn lực chiến đấu của Nga, vốn không bị khuất phục trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
Cuộc đột kích vào cuối mùa hè của Ukraine vào vùng Kursk của Nga đã thúc đẩy tinh thần chiến đấu cho Kiev nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích chiến lược. Trong khi đó, quân đội Ukraine ở mặt trận phía Đông đang suy yếu trước cuộc tấn công kéo dài của Nga và liên tục mất lãnh thổ ở khu vực Donbass. Các cuộc giao tranh vẫn mang tính chất tiêu hao và khiến cả hai bên tổn thất về lực lượng cũng như trang thiết bị.
“Nga đang tấn công như vũ bão trên chiến trường thành từng nhóm nhỏ, hạn chế tối đã việc bị phát hiện và khiến nỗ lực bắn trả trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra họ còn được hỗ trợ bởi số lượng pháo binh và máy bay không người lái vượt trội. Nga cũng đã cải thiện khả năng liên lạc trên chiến trường, giúp phối hợp các cuộc tấn công. Mặc dù chịu tổn thất lớn nhưng các binh lính Ukraine cho biết Nga có đủ quân số để duy trì sức ép và viện trợ của phương Tây không bù đắp được sự thiếu hụt về trang thiết bị", giới quan sát nhận định trên Washington Post.
Một chỉ huy Ukraine tiết lộ: "Chúng tôi thường xuyên phải rút lui vì Nga mạnh hơn nhiều". Một chỉ huy khác tại một vị trí gần thành phố Pokrovsk thuộc phía Đông nói với Financial Times rằng, ưu tiên của ông là cứu được càng nhiều sinh mạng của đồng đội càng tốt và quên đi mục tiêu đã nêu của Ukraine là giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất, bao gồm cả Crimea.
"Thật khó để tưởng tượng chúng ta có thể đưa kẻ thù trở lại biên giới năm 1991", chỉ huy này cho hay, ám chỉ đến việc khôi phục hoàn toàn lãnh thổ của Ukraine.
Các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao phương Tây đã ngầm hiểu thực tế trên trong nhiều tháng và cuối cùng đã thừa nhận điều này. Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở Trung Âu, gần đây đã nói rằng Ukraine sẽ phải có cái nhìn "thực tế" và "kết quả có khả năng xảy ra nhất của cuộc xung đột là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự chiếm đóng của Nga tạm thời".
Tổng thống Zelensky chuẩn bị tiết lộ đầy đủ về "kế hoạch chiến thắng" của mình trong tuần này sau khi trình bày với Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác. Có khả năng nhà lãnh đạo Ukraine sẽ kêu gọi thêm sự hỗ trợ quân sự đáng kể cũng như các cam kết chính trị tập trung vào các đảm bảo an ninh rõ ràng cho Kiev trong trường hợp không có tư cách thành viên đầy đủ trong NATO.
Phương Tây đã có những rạn nứt về việc nên cung cấp bao nhiêu trong "danh sách mong muốn" của ông Zelensky. Tuy nhiên, Kiev, trong kịch bản tốt nhất, hy vọng phương Tây có thể cho họ sự ủng hộ mạnh mẽ nhất có thể tại bàn đàm phán trong tương lai.
Điều đó hoàn toàn khác xa với "thắng lợi" hoàn toàn mà nhiều người mong đợi. Nhiều nhà phân tích lo ngại, tâm lý bất mãn sẽ gia tăng trong xã hội Ukraine khi họ rơi vào một cuộc xung đột bế tắc không mong muốn và phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga. Các chính phủ Mỹ và châu Âu đã đổ hàng tỷ USD vào cuộc xung đột này nhưng việc chậm chuyển giao và các hạn chế áp lên việc sử dụng một số vũ khí tầm xa là nguồn cơn sự thất vọng của Kiev. Sau một thỏa thuận ngừng bắn về lý thuyết, tâm lý ủng hộ phương Tây ở Ukraine có thể dịch chuyển.
Nhà quan sát Robert Kagan đã ám chỉ đến sự giận dữ âm ỉ sẽ vẫn còn sau một cuộc đàm phán hòa bình. Theo ông: "Ukraine hậu chiến sẽ là một nước láng giềng cực kỳ thù địch. Người dân Ukraine sẽ không sớm quên được những gì đã chịu đựng trong xung đột. Chủ nghĩa phục thù sẽ dâng lên mạnh mẽ khi người dân Ukraine tiếc nuối lãnh thổ đã mất của họ và muốn nó cuối cùng sẽ được trả về".