
Chiều nay 28/4, tại Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều ngày 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt (Đợt 1 từ 5- 29/5 và Đợt 2 từ 11- 28/6/2025).

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước); đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Về dự kiến chương trình, Tổng Thư ký Lê Quang Tùng cho biết, bổ sung 10 nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 do đã có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kết luận của UBTVQH khi xem xét, cho ý kiến về từng nội dung hoặc Chính phủ đã gửi hồ sơ, đã được bố trí trong chương trình để UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này.
Đó là: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Bên cạnh đó bổ sung một số báo cáo của Chính phủ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, có 4 nội dung rút khỏi chương trình kỳ họp: Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (dự kiến thể hiện nội dung này trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư); việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định sau khi đã hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính); chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước (UBTVQH đã xem xét và nhận thấy nội dung này không thuộc thẩm quyền của Quốc hội).

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý sắp xếp nội dung chương trình, bởi rất nhiều nội dung phải được quyết định trước 30/6. Bên cạnh việc thống nhất với việc rút 4 nội dung trên, ông Trần Thanh Mẫn cũng đồng ý việc chưa bổ sung Dự thảo Nghị quyết đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, Chính phủ có thể ban hành nghị định để thực hiện, sau đó nghiên cứu sửa luật liên quan.
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, ngay trong ngày làm việc đầu tiên (5/5), Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.