
Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Liên cho biết, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Bên cạnh đó, cơ quan này nhận thấy, dự thảo nghị quyết bổ sung 3 nội dung, chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, do đó đề nghị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về các nội dung này.
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.
Tránh nguy cơ gây ra sơ hở, tiêu cực
Về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến không tán thành nội dung này.

Lý do là nội dung có tác động lớn đến nguồn lực nhà nước nhưng chưa có đánh giá tác động chính sách; ý kiến của Bộ Tài chính trong Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cũng băn khoăn về nội dung này. Đồng thời, nội dung này cũng chưa được báo cáo Bộ Chính trị.
Dự thảo nghị quyết không xác định rõ thời điểm thực hiện việc hoàn trả nên có thể dẫn đến tùy nghi trong thực hiện, có nguy cơ gây ra sơ hở, tiêu cực.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đồng ý với chính sách này để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất với các nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng cần báo cáo Bộ Chính trị, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả.

Báo cáo giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách với nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất và được quy định thời gian qua. Song trên thực tế, một số trường hợp các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất muốn chuyển sang làm nhà ở xã hội thì không được miễn. Điều này không đảm bảo yêu cầu và nếu cộng vào giá thành thì làm tăng giá bán, khi đó không thể hiện được sự ưu đãi và không phù hợp với người thu nhập thấp.
Về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan thẩm tra đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, trong khi đối tượng chuyên gia đã có nhiều ưu đãi theo các chính sách mới về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.
Đồng tình với đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng thời gian tới, một lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động khi sáp nhập đơn vị hành chính, có nhu cầu nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, nên ban soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định.
Về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp cơ bản tán thành với cơ chế đặc thù tại dự thảo; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế giám sát, kiểm soát thực thi hiệu quả, phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia
Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia. Cơ quan thẩm tra tán thành nhưng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng quỹ này cần mang tính chất đầu tư, Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ như về đất đai, như thế mới đảm bảo bền vững lâu dài.
“Người có thu nhập có thể tham gia đầu tư vào đây, đến thời gian nào đó có thể nhận được nhà. Còn nếu thiên về chính sách xã hội thì chỉ được được một thời gian, về lâu dài không bền vững”, ông Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến.
Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng các quỹ tài chính ngoài ngân sách thường trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nên dễ “đánh bùn sang ao”, do đó phải rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, nhà ở xã hội chủ yếu do DN thực hiện bằng nguồn vốn và đi vay, đối tượng thụ hưởng cũng vay để mua. Điều này chưa thể hiện được vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng này.
Việc tạo lập quỹ chủ yếu thông qua các nguồn: tiền thu được từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư không xây nhà ở xã hội (lâu nay địa phương hòa nhập vào ngân sách mà không chi phát triển nhà ở xã hội), ngân sách và nguồn khác.
Mô hình quỹ tổ chức 2 cấp Trung ương và địa phương. Trong đó địa phương dùng nguồn thu từ quỹ đất 20% để phục vụ giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Còn nguồn cấp Trung ương hỗ trợ chủ đầu tư và đối tượng mua nhà vay với lãi suất ưu đãi.
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết; đề nghị hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.