Quan Trung Quốc nhận hối lộ qua hình thức 'bán' áp phích quảng cáo

09/01/2024, 08:51

Tại thành phố Cát Lâm của Trung Quốc, một bảng quảng cáo khổng lồ được coi là bằng chứng phạm tội nhận hối lộ của cựu lãnh đạo thành phố.

"Một bảng quảng cáo khổng lồ ở trung tâm thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc) thu hút sự chú ý không chỉ vì vị trí nổi bật của nó ở trung tâm đô thị sầm uất. Màn hình quảng cáo này còn là nguồn thu nhập bất hợp pháp béo bở cho cựu lãnh đạo thành phố", trích đoạn giới thiệu trong tập đầu tiên của loạt phim gồm bốn phần về đề tài chống tham nhũng, bắt đầu phát sóng trên đài truyền hình nhà nước CCTV vào tối 6/1.

Tấm bảng quảng cáo được gia đình cựu Thị trưởng thành phố Cát Lâm Trương Hiểu Bái dùng để che đậy các khoản hối lộ. (Ảnh: CCTV)

Tấm bảng quảng cáo được gia đình cựu Thị trưởng thành phố Cát Lâm Trương Hiểu Bái dùng để che đậy các khoản hối lộ. (Ảnh: CCTV)

Bảng quảng cáo này thuộc sở hữu của con trai ông Trương Hiểu Bái, cựu Bí thư thành ủy - Thị trưởng thành phố Cát Lâm, kiêm cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Cát Lâm. Ông bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 6/2023, bảy tháng sau khi bị điều tra nhận hối lộ.

"Các chủ doanh nghiệp có mối liên hệ với Trương sẽ chủ động chi số tiền khổng lồ để thuê bảng quảng cáo, mặc dù họ không có nhu cầu quảng cáo. Đây là cách các chủ doanh nghiệp che mắt thiên hạ để chuyển lợi ích cho Trương”, ông Đường Triệu Dương, thành viên điều trả của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), nói.

Trương Hiểu Bái, 66 tuổi, nằm trong số 4 bí thư thành ủy thành phố Cát Lâm liên tiếp phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Bốn người này đã nắm quyền từ năm 2006 đến năm 2017.

Cựu Thị trưởng thành phố Cát Lâm Trương Hiểu Bái trong tập phim phát sóng trên đài CCTV ngày 7/1. (Ảnh: CCTV)

Cựu Thị trưởng thành phố Cát Lâm Trương Hiểu Bái trong tập phim phát sóng trên đài CCTV ngày 7/1. (Ảnh: CCTV)

Một thông báo của CCDI vào tháng 6/2023 cho biết ông Trương đã "không trung thành với đảng và tham gia vào việc mua bán các chức vụ chính thức".

Tiết lộ thêm những chi tiết mới của vụ án, bộ phim trên đài CCTV cho biết quan tham này đã nhận hiện vật giá trị và tiền mặt "hàng chục triệu nhân dân tệ" từ doanh nhân Lưu Hữu Tài.

Trương và Lưu gặp nhau khi còn là công nhân cấp thấp trong một nhà máy cơ khí trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Cát Lâm vào những năm 1980, và đã là bạn bè suốt 40 năm.

"Thời gian sau đó, mối quan hệ của họ chuyển từ tình anh em sang xoay quanh quyền lực trần trụi và các giao dịch tiền bạc", tập phim cho hay.

Trương vươn lên trở thành giám đốc tập đoàn hóa chất, trong khi Lưu (trước đây là đầu bếp tại căng tin của nhà máy) làm ăn phát đạt khi bạn mình luôn chỉ đạo tổ chức các bữa tiệc của công ty ở đó. Căng tin phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Lưu mở nhà hàng ở những nơi khác trong thành phố.

Sau khi Trương đảm nhận vị trí Thị trưởng thành phố Cát Lâm, Lưu được cho là đã yêu cầu người bạn lâu năm giúp ông "đảm bảo các dự án mới", khi kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như nhà hàng khách sạn, logistics hay cung cấp thiết bị cứu hỏa...

Lưu bị cáo buộc đã trả ơn Trương bằng tiền mặt, vàng miếng, đồ vật giá trị và vốn sở hữu.

"Cũng là anh em lâu năm, lần đầu đưa tiền, chúng tôi cãi nhau. Anh ấy nói không và nhất quyết từ chối, thế nên tôi thường đến thăm và biếu quà cho chị nhà. Sau đó anh ấy cũng biết nhưng cũng nhắm mắt cho qua. Nhiều lần như vậy cũng thành quen", Lưu cho biết.

Lưu Hữu Tài trong tập trong tập phim phát sóng trên đài CCTV ngày 7/1. (Ảnh: CCTV)

Lưu Hữu Tài trong tập trong tập phim phát sóng trên đài CCTV ngày 7/1. (Ảnh: CCTV)

Tháng 11/2022, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin Trương đã tự đầu thú và đang bị CCDI và Ủy ban Giám sát Quốc gia điều tra, một "siêu" cơ quan được thành lập vào năm 2018, nhằm mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng ra ngoài đảng cầm quyền để bao gồm tất cả công chức và quan chức làng xã.

Tập phim công chiếu hôm 7/1 của CCTV cũng vạch ra các vụ án tham nhũng chống lại 3 lãnh đạo công an tỉnh Liêu Ninh lân cận.

Ông Lý Văn Hỉ, người nắm quyền từ năm 2002 - 2011, đã biển thủ 541 triệu nhân dân tệ (hơn 1.800 tỷ đồng), trong khi Vương Đại Vĩ tham ô 555 triệu nhân dân tệ (hơn 1.900 tỷ đồng) chỉ trong 2 năm nhiệm kỳ 2011 - 2013. Người kế nhiệm Vương, ông Tiết Hằng đã nhận hối lộ 135 triệu nhân dân tệ (hơn 460 tỷ đồng ) khi nắm quyền từ năm 2013 - 2022.

Theo thống kê của SCMP, CCDI đã bắt giữ kỷ lục 45 quan chức cấp cao vào năm ngoái, con số cao nhất kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch trấn áp tham nhũng vào năm 2013.

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP, CCTV)

Bài liên quan
Chi Pu thay đổi thế nào sau 1 năm tỏa sáng ở show 'Đạp gió' của Trung Quốc?
VOVLIVE - 1 năm sau hành trình tham gia "Đạp gió" tại Trung Quốc, Chi Pu đã chia sẻ về những thay đổi của bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất