Quan hệ Việt Nam - Ai Cập còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác trong năm 2024

PV/VOV-Cairo | 31/12/2023, 22:24

Quan hệ Việt Nam và Ai Cập đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2023, đồng thời còn nhiều dư địa và tiềm năng để tiếp tục khai phá, thúc đẩy hợp tác trong năm 2024. Đây là nhận định được Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn với phóng viên thường trú VOV tại Ai Cập.

Phóng viên: Xin Đại sứ có thể điểm lại những kết quả và hoạt động nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Ai Cập năm 2023?

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Ai Cập. Hai nước long trọng tổ chức loạt sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (01/09/1963 - 01/09/2023), mà đỉnh cao là Lễ kỷ niệm được Đại sứ quán Việt Nam tổ chức vào tháng 07/2023 tại Cairo với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhân dịp dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước ta thăm Ai Cập. Cũng trong năm nay, nhiều đoàn đại biểu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội của Việt Nam cũng đã đi thăm, gặp gỡ các đối tác Ai Cập và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về đối ngoại Đảng, đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã thăm Ai Cập vào đầu tháng 12/2023 và khép lại loạt hoạt động kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt Nam - Ai Cập.

Trước đó, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, cũng đã đi thăm Ai Cập trong tháng 11/2023.

Các đoàn Đảng của ta đã gặp gỡ với các đảng cánh tả, bạn bè truyền thống của Việt Nam như Đảng Cộng sản Ai Cập, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ai Cập, đồng thời có các cuộc làm việc với Đảng Tương lai quốc gia là chính đảng lớn nhất hiện nay ở Ai Cập, nắm giữ các vị trí quan trọng nhất trong Quốc hội nước bạn.

Trong các chuyến thăm Ai Cập nói trên, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam đã có các cuộc làm việc, trao đổi thực chất, hiệu quả với lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành và chính đảng ở Ai Cập và được phía bạn đánh giá rất cao.

Về mặt kinh tế, mặc dù tình hình kinh tế Ai Cập đang trải qua một thời kỳ khó khăn dẫn tới kim ngạch thương mại song phương suy giảm hơn 10%, nhưng quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước vẫn tiếp tục được củng cố. Số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bao gồm cà phê (36,3 triệu USD, tăng 27,6%), hạt tiêu (12,3 triệu USD, tăng 5%), phương tiện vận tải và phụ tùng (24,3 triệu USD, tăng 25,8%), điện thoại các loại và linh kiện (57,3 triệu USD, tăng 213%). Đặc biệt, Việt Nam đã có doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành giai đoạn 1 đầu tư vào Ai Cập trong lĩnh vực hàng nhựa dân dụng.

Phóng viên: Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Ai Cập trong giai đoạn tới? Những giải pháp và kế hoạch có thể triển khai để đạt được những mục tiêu này?

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng: Năm 2024, quan hệ Việt Nam - Ai Cập còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hướng tới phát triển xanh và bền vững, năng lượng sạch và tái tạo... trên cơ sở song phương cũng như đa phương. Ổn định chính trị ở cả hai nước trong thời gian tới là tiền đề hết sức quan trọng để hai bên thúc đẩy và tìm kiếm hợp tác một cách tích cực, chủ động và sáng tạo, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước vì lợi ích của nhân dân hai nước; thúc đẩy hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Ngoài việc tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn thăm lẫn nhau ở tất cả các cấp, kể cả cấp cao nhất, hai nước sẽ cần tiếp tục tích cực thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đang có giữa hai bên, trước mắt là tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Ai Cập trong nửa đầu năm 2024.  Bên cạnh đó, trong thời gian qua, hai bên cũng đã nhận thấy có nhiều lĩnh vực mới có thể mở ra hợp tác như công nghệ thông tin, an ninh mạng, nông nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng, cũng như hệ thống các phòng thương mại ở hai nước cần có những việc làm, hoạt động chủ động, tích cực hơn nữa để quảng bá, kết nối một cách có tổ chức các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy trao đổi thông tin thị trường và môi trường pháp lý mỗi nước, hợp tác, liên kết, liên doanh... qua đó nâng kim ngạch thương mại-đầu tư song phương thật sự hiệu quả, thực chất hướng tới hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ đô la Mỹ mà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã đề ra.

Trong năm 2024, Việt Nam và Ai Cập đều đặt trọng tâm lớn vào thúc đẩy ngoại giao kinh tế và đây là lĩnh vực được kỳ vọng trở thành điểm hội tụ, gặp gỡ nhau để phục vụ mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Bài liên quan
2024 sẽ là năm bùng nổ cực mạnh của xe điện hóa tại Việt Nam
Khởi động từ lâu, nhưng có lẽ phải đến năm nay; người tiêu dùng Việt mới có thể chứng kiến các mẫu xe điện và điện hóa thực sự nở rộ về số lượng và chủng loại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất