Hội nghị đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sơ kết thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 đã công bố Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 vùng Tây Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 7-7,5%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 130 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5% mỗi năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bảo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Đáng chú ý toàn vùng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng của vùng lên 47% vào năm 2030 (hiện nay là 46,34%).
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng đã sơ kết hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Hội đồng điều phối vùng nhận định phát triển kinh tế, xã hội vùng còn một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế của vùng thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030. Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu thực tế đáng lo tại địa phương: “6 tháng đầu năm nay tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng hết sức khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, ước đạt chỉ 2,97%. Công tác giải ngân đầu tư công rất chậm, chỉ mới đạt 18%. Các công trình trọng điểm, các dự án quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên triển khai chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra”.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng đánh giá, công tác chỉ đạo điều hành, nhất là của người đứng đầu ở một số địa phương còn chưa sâu sát, phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Trong khi đó các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương dù mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ một số tồn tại, có sự chồng lấn gây khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến: “Vướng mắc do chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch hạ tầng, đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh mà còn ảnh hưởng đến các công trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia”.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng nhận định, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa đảm bảo, cần Trung ương quan tâm tháo gỡ. Trong đó, các tỉnh tập trung đề nghị xem xét sớm đầu tư các tuyến cao tốc liên vùng để tạo động lực cho phát triển.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị: “Nhằm sớm giải quyết vấn đề liên kết vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, kính đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét quyết định bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ. Thứ hai, quan tâm quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum)- Pleiku, cao tốc phía Tây trong giai đoạn 2021-2030”.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, thời gian qua kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Các tỉnh có khả năng bứt phá trong thời gian tới với 3 việc có thể làm ngay.
“Hiện có 3 việc mà chúng ta có thể làm ngay được, thứ nhất là giao thông kết nối như đã nói, có khi chỉ đoạn đường chỉ 30-40km nhưng tạo sự thông thoáng, giao lưu rất lớn giữa 2 địa phương. Thứ hai, rất đúng với mô hình ở Tây nguyên, đó là phát triển mô hình du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng lưu ý mỗi khu du lịch phải có nét độc đáo riêng có của nó. Thứ ba, có thể chia sẻ nhau trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Có một dự án lớn thì chia sẻ thơm thảo này, dưới góc độ từng địa phương thì có nơi được, có nơi thiệt một chút nhưng trong bình diện chung phát triển của cả khu vực là chúng ta có lợi lớn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên trong công tác quy hoạch cần tiếp tục rà soát, sớm phát hiện những bất cập để xây dựng khung pháp lý có tính chất định hướng để cùng phát triển, trên tinh thần liên kết, hợp tác. Các tỉnh cũng cần lưu ý triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo chất lượng và tiến độ khi chỉ còn nửa năm thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2024. Chính phủ đã nỗ lực mới có được cơ chế, có nguồn vốn, mà địa phương lại thiếu quan tâm, thiếu tích cực là chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên xác định rõ nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, cán bộ người địa phương cũng như vấn đề chuyển đổi số.