Phát triển Công viên địa chất: Hướng đi mới của du lịch xứ Lạng

Duy Thái/VOV-Đông Bắc | 23/09/2022, 15:17

Công viên địa chất Lạng Sơn với tổng diện tích gần 3.900km2 thuộc phạm vi hành chính của các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng. Đây là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, thuận lợi cho phát triển du lịch dịch vụ.

Công viên địa chất Lạng Sơn có địa hình chủ yếu là núi đá vôi và hang động karst chứa những giá trị to lớn về khảo cổ học và văn hóa, đa dạng sinh học và khoáng sản. Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích sơ kỳ đá mới “Văn hóa Bắc Sơn”. Huyện Bắc Sơn còn là “địa chỉ đỏ” với nhiều di tích lịch sử cách mạng vẫn được lưu giữ bảo tồn như Di tích Khuổi Nọi, Đình Nông Lục, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn; hội tụ đa dạng các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông.

Ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn gồm phạm vi hành chính của 5 huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2. Đây thực sự là “cú hích” giúp huyện Bắc Sơn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, góp phần nâng tầm du lịch Bắc Sơn. Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: "Là 1 trong 5 huyện nằm trong vùng Công viên địa chất là cơ hội rất tốt để địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch trong thời gian tới, là cơ hội để huyện tiếp tục khai thác những tiềm năng thế mạnh vốn có để phát triển du lịch, để từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Bắc Sơn, góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho bà con nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn".

Đến với Công viên địa chất Lạng Sơn, ngoài việc khám phá những nét độc đáo của giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất - địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học), du khách có thể tham gia trò chơi leo núi mạo hiểm. Môn thể thao đòi hỏi thể lực, sự khéo léo và lòng can đảm này được biết đến từ khoảng 10 năm trước tại huyện Hữu Lũng. Khi chinh phục được những ngọn núi cao nơi đây, du khách có thể phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh đồng lúa, nương ngô xanh mướt phía dưới. Nếu không yêu thích leo núi, du khách có thể thả mình trong làn nước xanh mát tại các hồ tắm trong núi như Mỏ Cả, Mỏ Mây... Anh Roy Ron, du khách Pháp hào hứng: “Tôi đã đến đây 3 lần rồi, môi trường ở đây thật sự thoáng đãng, khung cảnh bình yên, trong xanh cùng với sự yên bình của làng quê của người dân bản địa. Chất lượng đá ở đây rất tốt nên trải nghiệm leo núi ở đây thực sự hấp dẫn. Tôi sẽ quay lại đây bất cứ lúc nào rảnh rỗi để có thể trải nghiệm nơi này nhiều lần hơn nữa".

Cũng như nhiều địa phương khác, vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú với sự bảo tồn khá nguyên vẹn 7 nhóm di sản văn hóa phi vật thể gồm: Tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, các điệu dân ca dân vũ cùng nghệ thuật trình diễn độc đáo; các lễ hội và nghề thủ công truyền thống. Công viên địa chất Lạng Sơn cũng bao gồm nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, nền văn hóa Bắc Sơn..., chứng minh nơi đây là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ trong một hệ sinh thái núi đá vôi với gần 800 loài thực vật, trong đó có hàng chục loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam... 

Tiềm năng di sản địa chất ở các huyện thuộc vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cũng khá phong phú. Quá trình karst hóa cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng Công viên địa chất Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, nhiều thạch nhũ và hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn...

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng và triển khai nhiều chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và Công viên địa chất Lạng Sơn. Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là điều kiện để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng Công viên địa chất Lạng Sơn gắn với phát triển kinh tế - xã hội. “Muốn phát triển xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Lạng Sơn xác định rõ phải phát triển bền vững, lâu dài, gắn với giá trị riêng biệt. Những giá trị tài nguyên, địa chất địa mạo, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể thì Lạng Sơn đều hội tụ đầy đủ để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Và nếu hòa vào được mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì việc quảng bá hình ảnh về du lịch Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tới được đông  đảo du khách trong và ngoài nước", ông Hoàng Thế Vinh cho biết.

Hiện tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn là công viên địa chất toàn cầu và có những chiến lược về giáo dục cộng đồng; bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực Công viên địa chất nói riêng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung./.

Bài liên quan
Bản án thích đáng cho những đối tượng chống đối CSGT
Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vừa mở phiên xét xử lưu động đối với 2 vụ án hình sự "Chống người thi hành công vụ", được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất