Việc phát triển các công trình xanh thân thiện với môi trường ở Việt Nam những năm gần đây đã trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xây dựng trong đó có khu Thiết chế công đoàn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Quan trọng hơn hết, việc xây dựng công trình xanh không chỉ dừng lại ở phạm vi dự án hay sự kiện mà nó còn góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về một cách sống hòa hợp với môi trường đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi con người nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Công trình xanh cũng đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội thông qua và các lợi ích kinh tế rõ rệt. Ở Việt Nam, chúng ta đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (năm 2014), Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 (2017); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (2019).
Nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước và cộng đồng và với kinh nghiệm nhiều năm trong Lĩnh vực đầu tư các dự án Bất động sản cùng các thành tựu Nghiên cứu khoa học đã đạt được, ngoài những giải pháp được áp dụng phổ biến, Tập Đoàn GFS cùng đơn vị thành viên là Viện Công nghệ GFS đã và đang phát triển những giải pháp đồng bộ để triển khai xây dựng các Tổ hợp công trình Xanh và Bền vững trong đó có công nghệ độc quyền về sử dụng cấu kiện tiền chế.
Cấu kiện tiền chế là lời giải cho việc thay thế nhiều triệu mét sàn, nhà chung cư cũ đã xuống cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bằng những toà nhà đảm bảo chất lượng, mỹ thuật tốt, giá thành cạnh tranh, tiến độ thi công nhanh và đặc biệt không gây ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn trong quá trình thi công; đảm bảo hài hòa, đồng thuận được lợi ích các thành phần trong xã hội, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại.
Riêng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu sử dụng tro bay – chất thải gây hại của Nhà máy nhiệt điện thay thế cát mịn để sản xuất thành công một số sản phẩm: Tấm panel tường (không cần lớp trát hoàn thiện), panel sàn (từ 70% tro bay), các cấu kiện bê tông đúc sẵn. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (DIN EN 12602:2016) và Việt Nam, đủ điều kiện sử dụng để xây dựng nhà tiền chế tại các khu công nghiệp, thiết chế Công đoàn; Bê tông Geopolymer (bê tông Xanh từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện – không sử dụng xi măng và cát tự nhiên) để kè sông, biển, đảo,…, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, có thể giảm hơn 10 lần lượng phát thải khí CO2 do quá trình sản xuất xi măng, giảm tới 80% lượng điện tiêu thụ trong quá sản xuất, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm hiện trạng môi trường do sản xuất từ “vật liệu xanh”.
Sản phẩm Panel sàn, Panel tường bê tông AAC của Viện Công nghệ GFS nghiên cứu và phối hợp với Công ty TNHH Sông Đà Cao Cường sản xuất có trọng lượng nhẹ (700 Kg/m3); chịu tải cao (1.000KG/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, giá thành rẻ hơn khoảng 15-20% so với sản phẩm hiện đang sử dụng và có thể giảm được 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000 m2 sàn/ năm. Sản phẩm có độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, giảm được 20-25% tổng thời gian xây dựng, giảm được 35-40% số lượng công nhân tại hiện trường do áp dụng cơ giới hóa trong xây dựng và giảm thiểu đến mức thấp nhất rác thải xây dựng so với phương pháp truyền thống.
Dự kiến, năm 2022, các sản phẩm tấm Panel sàn, Panel tường sản xuất từ tro bay sẽ được Tập đoàn GFS đầu tư sản xuất hàng loạt và sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, các khu Thiết chế công đoàn hay các chung cư tại một số thành phố lớn, hy vọng sẽ tạo ra các khu nhà ở với diện mạo mới, bền, đẹp và thân thiện môi trường.
Thời gian tới, Tập đoàn GFS sẽ triển khai các Khu nhà ở thiết chế Công đoàn bằng các cấu kiện tiền chế do Viện Công nghệ GFS phối hợp cùng các đối tác nghiên cứu và ứng dụng sản xuất. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết nơi ở cho 2.500-4.000 lao động mỗi Khu nhà ở thiết chế với chi phí xây dựng thấp, thời gian thi công nhanh chóng. Các khu nhà ở thiết chế Công đoàn sẽ là tiền đề để Tập đoàn GFS “chào sân” dòng sản phẩm vật liệu xây dựng “xanh”, vừa tốt cho môi trường, vừa giúp mang lại những ngôi nhà bền đẹp, giá thành cạnh tranh cho người lao động trên cả nước.