Chuyến đi kéo dài 6 ngày của nhà lãnh đạo Ukraine hồi cuối tháng 9 tập trung vào những vấn đề sống còn đối với chính quyền Kiev, trong đó bao gồm việc đảm bảo duy trì nguồn hỗ trợ tài chính và quân sự từ Washington, bất kể kết quả bầu cử vào tháng 11 sẽ ra sao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đạt được mục tiêu này khó khăn hơn nhiều so với dự kiến.
Các vấn đề nảy sinh trước cả khi ông Zelensky đặt chân lên đất Mỹ. Trong một bài báo đăng trên tờ The New Yorker, Tổng thống Ukraine mô tả ứng cử viên phó Tổng thống của ông Donald Trump - Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance là "quá cực đoan". Ông Vance trước đó từng đề nghị người đồng hành tranh cử khi nên xem xét lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine, đồng thời cho rằng một thỏa thuận hòa bình có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Đáp lại những bình luận của ông Zelensky, con trai của cựu tổng thống là Donald Trump Jr đã chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ. Và sau đó, mọi chuyện dần trở nên tồi tệ hơn.
Ông Zelensky "trắng tay" trên đất Mỹ?
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Zelensky là một nhà máy sản xuất quốc phòng ở Scranton, Pennsylvania, nơi ông cảm ơn những công nhân đã sản xuất đạn pháo 155mm, loại đạn rất quan trọng đối với quân đội Ukraine. Cơ sở này đã tăng sản lượng đáng kể trong vòng 1 năm vừa qua và vận chuyển hơn ba triệu quả đạn pháo đến Ukraine.
Chuyến đi của ông tới Pennsylvania, cùng với thống đốc đảng Dân chủ của tiểu bang, đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Eric Schmitt của Missouri, một người ủng hộ Trump, nhận xét rằng chuyến thăm của ông Zelensky dường như là một sự kiện vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại một tiểu bang chiến trường quan trọng trước thềm bầu cử tổng thống. Ông Sean Parnell, cựu ứng cử viên Thượng viện đến từ Pennsylvania và cũng là người ủng hộ ông Trump, đã gọi chuyến thăm của Zelensky là "sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử của chúng ta".
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện Mike Johnson thậm chí còn đi xa hơn, từ chối gặp Zelensky và yêu cầu ông sa thải đại sứ của mình tại Washington vì đã tổ chức chuyến thăm Pennsylvania mà không có sự tham gia của đảng Cộng hòa. Ông Johnson mô tả sự kiện này là "một nỗ lực nhằm ủng hộ đảng Dân chủ giành chiến thắng".
Sau khởi đầu đầy khó khăn, ông Zelensky tìm thấy cơ hội cuối cùng để cứu vãn tình hình bằng một cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Trump. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn do Fox News thực hiện sau buổi gặp mặt của hai chính trị gia cho thấy lập trường của ông Trump vẫn không thay đôi: Ông Trump vẫn mong muốn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine với một "giải pháp công bằng" và không đề cập gì đến việc hỗ trợ quân sự cho Kiev. Tuy nhiên, một lần nữa, cựu Tổng thống né tránh các câu hỏi về việc liệu "giải pháp công bằng" đó có thể kéo theo hệ quả gì.
Tổng thống Ukraine dường như cũng không có chiến thắng nào sau cuộc gặp trực tiếp với đảng Dân chủ. Cuộc gặp của ông Zelensky với các nhà lãnh đạo đảng vẫn kết thúc với những lời cam kết thường lệ về sự ủng hộ dành cho Ukraine và nguyện vọng gia nhập EU và NATO, cùng với thông báo về một gói viện trợ khác. Tuy nhiên, thời gian chuyển giao gói viện trợ này vẫn là một ẩn số
Không những không có chiến thắng, nhà lãnh đạo Ukraine trở về với một nỗi thất vong: Washington vẫn không "xé rào" cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và khéo léo bác bỏ "Kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky mà ông mang tới Nhà Trắng, lo ngại rằng một quyết định như vậy có thể làm leo thang xung đột với Nga. Trước đó, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo, việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục dòng chảy viện trợ cho UKraine có thể biến họ thành một bên tham chiến trực tiếp.
Ông Trump sẽ đem lại hy vọng cho Ukraine?
Mỹ hiện vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, đã đóng góp hơn 56 tỷ USD trong số 106 tỷ USD tổng số tài trợ do NATO và các nước đồng minh huy động để tăng cường quốc phòng cho Kiev.
Viễn cảnh ứng viên đảng Cộng hòa Kamala Harris có nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng và tiếp tục nối dài các chính sách đối ngoại của Tổng thống tại nhiệm Joe Biden làm dấy lên mối lo ngại giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, vì họ cho rằng cách tiếp cận xung đột Nga-Ukraine hiện nay của Mỹ là "quá thận trọng và thiếu quyết đoán". Ngược lại, chiến thắng của ông Trump có thể mang lại hy vọng thay đổi vận mệnh của Kiev trên chiến trường. Một số quan chức Ukraine lạc quan cho rằng, ông Trump, trái ngược với bà Harris, có thể thực hiện các nước đi táo bạo nhằm chấm dứt giao tranh, mặc dù vẫn thừa nhận những hành động mang tính bột phát của ông cũng có thể làm rạn nứt mối quan hệ giữa Ukraine và phương Tây.
Giới chức Kiev vẫn hy vọng rằng lập trường của ông Trump có thể thay đổi trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống. Ông Zelensky thừa nhận rằng việc thuyết phục ông Trump hỗ trợ Ukraine trong giao tranh với Nga sẽ là một thách thức lớn nhưng ông tin rằng điều đó là cần thiết, vì tương lai của Kiev phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định được đưa ra tại Nhà Trắng.
Ông Zelensky lưu ý rằng trong các cuộc trò chuyện qua điện thoại, cựu Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh sự ủng hộ của mình đối với Ukraine; tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ hành động như thế nào nếu trở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo Ukraine hiện cũng hoài nghi trước tuyên bố của ứng viên đại diện đảng Cộng hòa rằng ông đã có một kế hoạch cụ thể để "chấm dứt chiến tranh".
Các nhà phân tích chỉ ra rằng mục đích chính chuyến thăm của ông Zelensky là nhằm nhấn mạnh với Nhà Trắng về "tầm quan trọng của việc ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga", bất kể kết quả bầu cử tháng 11 sẽ thay đổi chính trường Mỹ như thế nào. Dẫu vậy, những tuyên bố và động thái chính trị của nhà lãnh đạo Ukraine trong thời gian vừa qua có thể mang tác dụng ngược.