Chiều 3/1, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư thông tin về trường hợp nuôi sống trẻ người nước ngoài sinh non chỉ nặng 500gram. Bé trai này là con của cặp vợ chồng chị Bùi Ngọc Dung Jennie - người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Canada và chồng người Canada.
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, đây là một trường hợp sản bệnh rất đặc biệt. Sản phụ năm nay 34 tuổi, tiền sử một lần sảy thai 8 tuần, 3 lần thai lưu lúc 20-22 tuần vì tiền sản giật. Lần này, khi có thai 12 tuần chị về Việt Nam theo dõi, điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau đó theo dõi thai tại Bệnh viện Vinmec.
"Thai phụ chuyển sang Bệnh viện Phụ sản T.Ư khi thai được 24 tuần, vì tiền sản giật. Khi tiếp nhận và thăm khám cho sản phụ, chúng tôi cũng lo lắng, đồng thời xác định đây là một ca khó vì tiền sử bệnh của bệnh nhân vì cứ có thai là tiền sản giật, phù. Tôi động viên sản phụ và cả chính các đồng nghiệp cố gắng để giữ thai trong bụng mẹ ngày nào thì tăng cơ hội sống cho trẻ ngày đó. Nếu được đến 28 tuần thì tốt vì mỗi ngày trẻ ở trong bụng mẹ tăng cơ hội sống lên thêm 3%. Bệnh nhân nằm tại Khoa hồi sức, cứ 2-3 ngày chúng tôi lại siêu âm cho bệnh nhân 1 lần để theo dõi thai chặt chẽ. Tất cả các phương tiện hiện đại đều được huy động để sẵn sàng phục vụ theo dõi, điều trị cho sản phụ"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Đến khi thai nhi được 25 tuần 6 ngày, các bác sĩ đã quyết định thực hiện mổ lấy con vì nếu để cố được sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Ca mổ lấy thai diễn ra nhanh chóng, ngay sau đó trẻ được đưa ngay đến Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh, BV Phụ sản T.Ư để chăm sóc đặc biệt.
Các bác sĩ cũng lo lắng về nguy cơ trẻ bị viêm ruột hoại tử, sẽ khó khăn cho quá trình nuôi dưỡng vì trẻ dễ bị nhiễm trùng do chào đời từ cơ thể người mẹ tiền sản giật, suy thai, bé chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng mạn tính. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Bằng sự nỗ lực của các y bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh, trẻ đã hồi sinh ngoạn mục.
BS Phạm Hoàng Thái, Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh cho biết, trẻ được cho ăn sữa mẹ ngay từ đầu và ăn hoàn toàn đường tiêu hóa vào ngày thứ 12. Ban đầu các nhân viên y tế cho trẻ ăn từng giọt sữa một, mỗi lần ăn 10 giọt, ngày đầu tiên trẻ ăn 16 bữa. Cứ thế tỷ lệ sữa được điều chỉnh dần mỗi ngày.
"Vào ngày thứ 40, trẻ bị viêm phổi, tuy nhiên, sau đó trẻ ổn dần. Vượt qua mọi khó khăn, đến ngày 3/1, trẻ được 97 ngày tuổi (tương đương tuổi thai 38 tuần), nặng 2kg, tự thở khí trời. Trẻ có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường, biết cười tự phát. Trẻ đã biết tự cười, massage thể hiện sự dễ chịu, mẹ được hướng dẫn chăm sóc theo phương pháp Kangaroo từ khi bé 76 ngày tuổi", BS Thái thông tin thêm.
Cũng theo TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, phát huy kinh nghiệm của nuôi sống thành công các trường hợp trẻ sinh non trước đó, đối với bé trai này, các bác sĩ đã áp dụng thành công chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, massage sớm, cho ăn sớm.
Việc massage sớm giúp trẻ phát triển thần kinh, tác động vào thần kinh giúp phát triển hệ thống thần kinh, lưu thông máu huyết tránh trì trệ, hệ thống đường tiêu hóa phát triển. Thần kinh phát triển giúp hô hấp ổn định phát triển, tránh các cơn ngừng thở, tím tái, có phản xạ bú mẹ. Dầu massege ngấm qua da như một phần dinh dưỡng, khi massge vi khuẩn có lợi ở da phát triển tốt tránh viêm loét cho trẻ.
Tin vui đầu năm từ BV Phụ sản T.Ư này cũng thắp lên niềm hy vọng, niềm tin cho các bà mẹ không may mắc các bệnh lý khó về sản phụ khoa.
Đón con từ tay PGS.TS Trần Danh Cường, chị Dung không dấu nổi xúc động. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, chị và chồng được được làm cha mẹ, được ôm ấp niềm hạnh phúc bé nhỏ kết tinh từ tình yêu của anh chị. Tết này chị Dung và chồng ở lại Việt Nam để sức khoẻ của con trai thêm ổn định.
"Đây là cái Tết rất hạnh phúc của gia đình tôi"- chị Dung nói với chúng tôi khi đang cưởi viên mãn ôm con và đứng bên cạnh chồng./.