Nữ điều dưỡng ở Đắk Lắk tận tình với bệnh nhân Covid-19

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên | 21/01/2022, 06:05

Nữ điều dưỡng H’Wi Buôn Yă được diều động lên làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Đắk Lắk ngày đêm tận tình chăm sóc người bệnh.

Gần 2 tháng qua, nữ điều dưỡng H’Wi Buôn Yă (33 tuổi), công tác tại Khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Ea Kar được diều động lên làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Đắk Lắk ngày đêm tận tình chăm sóc người bệnh. Chị H’Wi luôn xem bệnh nhân như người thân trong gia đình, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng khi người bệnh cần giúp đỡ.

Kíp trực sáng của bắt đầu công việc chuyên môn như tiêm, truyền dịch, đặt nội khí quản, hút đờm cho người bệnh và điều dưỡng H’Wi Buôn Yăhỗ trợ các bác sỹ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Sau đó, chị lại đến giường bệnh, hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần giúp bệnh nhân phấn chấn tinh thần để nhanh khỏi bệnh.

“Lúc mới vào làm việc tại đây, bản thân tôi nhớ nhà nhiều lắm bên cạnh đó tôi cũng rất lo, đặc biệt trong mùa dịch bệnh Covid 19 đang bùng phát như hiện nay, sợ bị nhiễm bệnh, tôi cũng thấy nhiều đồng nghiệp mắc bệnh này, nhìn thấy bệnh nhân thì tôi cũng nhớ nhà lắm. Nhưng khi vào làm cũng nguôi ngoai. Bản thân luôn tự nhủ phải cố gắng làm việc thật tốt, để các bệnh nhân mau khoẻ bệnh, sớm được trở về nhà”- nữ điều dưỡng H’Wi Buôn Yă cho biết. 

Điều dưỡng H’Wi Buôn Yă chia sẻ, mặc dù gắn bó với nghề y được 10 năm, nhưng công việc mỗi ngày tại Trung tâm y tế huyện Ea Kar lại khác biệt khá nhiều so với tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Ở đây người bệnh khá đa dạng, từ người lớn tuổi, thanh niên đến trẻ nhỏ và cả những sản phụ mang thai, nguy cơ rủi ro mang lại cho bản thân cũng không hề nhỏ và đặc biệt khi bệnh nhân Covid-19 vào trong Bệnh viện điều trị là phải cách ly hoàn toàn với người thân. Trong bệnh viện chỉ có bệnh nhân và thầy thuốc, vì vậy trách nhiệm của những y, bác sỹ tại Bệnh viện Dã chiến không chỉ đơn thuần là điều trị, cứu chữa mà còn chăm sóc, giúp đỡ họ từ những việc làm nhỏ nhất.

Sau mỗi ca trực, người đều tắm trong mồ hôi vì phải mặc đồ bảo hộ kín mít suốt 7 tiếng đồng hồ. Vậy nhưng, mỗi giây phút được nghỉ ngơi, nỗi nhớ nhà, thương con nhỏ mới được 5 tuổi lại trào dâng trong lòng. Gần 2 tháng xa nhà, phương tiện liên lạc duy nhất giữa chị với chồng con cũng chỉ là chiếc điện thoại thông minh. 

“Những lúc gọi điện về nhà nói chuyện với con, bản thân tôi nhớ lắm, con bé còn nhỏ nhưng cũng biết động viên tôi cố gắng làm vịêc tốt, ở nhà tuy nhớ mẹ nhưng luôn có bố bên cạnh, nghe con nói như vậy tôi cũng yên tâm và ngày nào cũng luôn cầu mong sẽ sớm đẩy lùi được Covid -19 và được trở về nhà với gia đình”- điều dưỡng H’Wi Buôn Yă chia sẻ. 

Là người đầu tiên tiếp xúc và hướng dẫn điều dưỡng H’Wi Byă khi chị chuyển từ Trung tâm y tế huyện Ea Kar lên nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến số 1, điều dưỡng Trần Thị Quế, Cán bộ phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết: Điều dưỡng H’Wi, không chỉ là người có trách nhiệm trong công việc, luôn quan tâm chăm sóc tận tình cho các bệnh nhân, chị còn là thông dịch viên giữa bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số với các y, bác sĩ và điều dưỡng trong bệnh viện. Theo chị Quế, sự bất đồng ngôn ngữ chính là rào cản rất lớn trong việc điều trị cho bệnh nhân, và rào cản đó hoàn toàn được phá bỏ nhờ những người như điều dưỡng H’Wi. 

“Ở đây mình tiếp nhận người đồng bào lớn tuổi hạn chế về tiếng kinh nhiều lắm, nhờ bạn H’Wi mình sẽ hiểu được thứ nhất là tình hình bệnh tật, thứ 2 là đời sống tâm tư gia đình để mình động viên người ta nữa.”- chị Quế cho biết. 

Ngày trở về với điều dưỡng H’Wi và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Dã chiến số 1 chưa thể biết trước, khi khối lượng công việc còn bộn bề, lượng bệnh nhân chuyển đến thuyên giảm chưa đáng kể. Gác lại nỗi lo lắng và tình cảm riêng tư, chị vẫn đang nỗ lực từng ngày với một công việc có tính chất phức tạp cao và hơn hết, vì trách nhiệm với tính mạng từng bệnh nhân đang chiến đấu, giành giật với sự sống ở “cuộc chiến” này./.

Bài liên quan
Nhiều diện tích rừng ở Đắk Lắk có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Cao điểm mùa khô ở Đắk Lắk, với nắng nóng gay gắt kéo dài đang khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng, các chủ rừng và người dân đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm chủ động ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định
Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
  • Giá vàng tháng 4 tăng 28,62% so với cùng kỳ năm ngoái
    Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó chỉ số giá USD tăng 6,51%, chỉ số CPI tăng 4,4%.
Mới nhất