Nỗi lòng dân miền biển U Minh - Lo con sóng dữ, chờ hoài con đê

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL | 25/02/2023, 08:48

Một đoạn đê biển Tây dài 9 km ở Cà Mau chưa được nâng cấp. Cứ dông gió lớn, triều cường dâng cao là nước tràn qua đê. Không chỉ nhà cửa ngập lênh láng mà vuông tôm của người dân sống bên trong cũng bị san phẳng. Điều này trở thành nỗi khắc khoải của người dân suốt thời gian dài.

Ven hai bên cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau) có khá nhiều hộ dân bám trụ để mưu sinh nghề biển. Có một sự thật trớ trêu là những hộ dân sống bên bờ Nam họ luôn nhìn sang bờ Bắc để mong chờ 1 tuyến đường. Bởi, tuyến đê biển Tây đoạn Tiểu Dừa – Khánh Hội (thuộc huyện U Minh) mới làm được 1 nửa. Cửa biển Hương Mai chính là điểm chia cắt đoạn đã nâng cấp và đoạn chưa nâng cấp. Bờ Bắc đê đã nâng cao 3 mét, mặt đường bê tông rộng 5,5 mét; Bờ Nam tuyến đê biển là đất đen hiện cao khoảng 1,2 mét, nhiều đoạn người dân không nhìn ra nó là đê nữa mà giống với bờ bao vuông nuôi tôm của họ hơn.

Người dân phía bờ Nam nhìn sang bờ Bắc với nỗi khắc khoải, không chỉ vì mong chờ tuyến đường giao thông mà còn bởi, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân sống trong đê bên bờ Bắc được tuyến đê che chắn, không bị ảnh hưởng sinh hoạt, thiệt hại về tài sản. Còn người dân bờ Nam, nước ngập lưng chừng nhà, vuông nuôi tôm của bà con trở thành một khoảng không mênh mông nước. Con sóng dữ đến bất chợt, nhiều khi người dân trở tay không kịp, đồ đạc sinh hoạt bị hư hỏng, còn thủy hải sản và cả cây trồng cũng bị thiệt hại.

Bà Lư Thị Đài, người dân sống bên bờ Nam cửa Hương Mai nêu khó khăn: "Tuyến đê này nước ngập, không có dông bão thì không đến nỗi nhưng khi mưa thì ngập rất nghiêm trọng.  Trong nhà ngập nước khoảng 1 mét nước là bình thường".

Tuyến đê biển Tây đoạn Tiểu Dừa - Khánh Hội của tỉnh Cà Mau dài hơn 22 km. Đoạn đê biển từ Hương Mai – Khánh Hội chưa được nâng cấp dài khoảng 9 km. Hàng năm, cứ khi triều cường dâng cao, kèm theo dông gió thì cuộc sống của 35 hộ dân sống cạnh đê xã Khánh Tiến và 45 hộ dân ở xã Khánh Hội bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ vậy, hàng trăm hộ dân sống sâu hơn vào bên trong cũng có nguy cơ bị thiệt hại về sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Cà Mau, tuyến đê biển Tây đoạn Hương Mai đến Khánh Hội được thực hiện sau cơn bão số 5 năm 1997, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực trạng triều cường, nước biển dâng năm nào cũng làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nâng cấp, ngành nông nghiệp cũng thấy rất cần thiết nên Dự án nâng cấp đã được lập từ năm 2013, do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai vốn đầu tư.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Cà Mau nói về hướng khắc phục: "Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh đắp bờ bao đất nên cao khoảng 2,5 mét, chiều rộng chân khoảng 2 mét mặt khoảng 1 mét để đảm bảo triều cường, nước dâng cục bộ không ảnh hưởng sản xuất của bà con. Còn về giải pháp lâu dài, kiến nghị Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn sớm triển khai dự án này hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2025 để liền tuyến đê biển Tây từ giáp tỉnh Kiên Giang về tới thị trấn Sông Đốc của tỉnh".

Phần lớn đời sống các hộ dân sống dọc tuyến đê biển Tây đời sống còn khó khăn, nguồn thu nhập chính là trồng lúa, trồng màu và nuôi trồng thủy sản. Thực trạng những đoạn đê biển chưa được nâng cấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Mong mỏi của bà con hiện nay là sớm đầu tư tuyến đê hoàn chỉnh./.

Bài liên quan
Vai trò, đóng góp của Việt Nam về vấn đề biến đổi khí hậu được quốc tế coi trọng
Tiến trình tại ICJ cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, đóng góp của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết mạnh mẽ thời gian qua tại các diễn đàn quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất