Bác sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết nguyên nhân gia tăng mắc bệnh tim mạch trong mùa World Cup xuất phát từ nhiều yếu tố như: sự phấn khích hay căng thẳng khi theo dõi mỗi trận bóng khiến cơ thể tiết ra nhiều hoc-môn cortisol; thiếu ngủ khi thức đêm xem bóng đá; uống bia rượu quá nhiều hoặc quên uống thuốc; sử dụng "mồi nhậu" là thực phẩm có lượng chất béo bão hòa cao, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ; hút thuốc lá trong thời gian dài.
Do đó, để có thể thưởng thức những trận bóng đá hấp dẫn mùa World Cup và hạn chế tối đa các biến cố tim mạch, bác sĩ Khôi khuyên bệnh nhân tim mạch cần lưu ý các vấn đề sau:
Về dinh dưỡng: Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý có thể giúp bảo vệ tim mạch, cải thiện huyết áp và cholesterol. Tránh thức ăn nhanh, thực phẩm có nhiều chất béo, đường, bột, rượu bia, thuốc lá…
Về giấc ngủ: Những người ngủ không đủ giấc, ngủ không ngon có nguy cơ cao bị béo phì, cao huyết áp, đau tim, đái tháo đường và trầm cảm. Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.
Hãy ưu tiên giấc ngủ và tuân thủ lịch trình bằng cách đi ngủ, thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Hạn chế tối đa việc thức khuya để xem bóng đá. Nên lựa chọn những trận đấu để xem trực tiếp, xem lại, thậm chí không xem, sao cho hợp lý và không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý.
Bảo vệ đôi mắt: Cần giữ khoảng cách tối thiểu từ mắt tới màn hình khoảng 2 m, thỉnh thoảng thay đổi tầm nhìn, nhắm mắt lại trong vài giây để tránh mỏi mắt. Bởi những thay đổi cấu trúc trong mạch máu võng mạc mắt có thể liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này.
Bên cạnh đó, khi xem bóng đá, nhiều người thường chăm chú nên ngồi quá lâu, không cử động nhiều. Vì vậy, sau 20-30 phút ngồi, bạn nên đứng dậy di chuyển, thực hiện vài động tác thể dục đơn giản. Tranh thủ thời gian giải lao để đứng dậy đi giải quyết các nhu cầu cá nhân như lấy thêm thức ăn nhẹ, tiểu tiện, đại tiện…
Ngoài ra, uống thuốc đầy đủ phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do chậm trễ hay ngưng thuốc, trang bị máy đo huyết áp điện tử tại nhà.
Bác sĩ Khôi cũng lưu ý dấu hiệu nhận biết cơn đau tim như: Cảm thấy đau, tăng áp lực hoặc nặng ở ngực, cánh tay hoặc vùng dạ dày trên; có thể đau lan ra trên cánh tay, lưng, hàm hoặc cổ họng; cảm giác nghẹt thở, mệt mỏi; đổ mồ hôi; chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa; khó thở; nhịp tim nhanh hoặc bất thường.