Những hứa hẹn về thuế của bà Harris

03/09/2024, 17:30

VOVLIVE - Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra nhiều kế hoạch thuế khác nhau trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Sau khi chính thức được chọn làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris bắt đầu định hình các chính sách của mình để tăng khả năng bước chân vào Nhà Trắng với tư cách Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Bà Kamala Harris đề xuất một số chính sách thuế quan trọng nếu bà thắng cử vào Nhà Trắng vào tháng 11. (Ảnh: Newsweek)
Bà Kamala Harris đề xuất một số chính sách thuế quan trọng nếu bà thắng cử vào Nhà Trắng vào tháng 11. (Ảnh: Newsweek)

Chính sách thuế của bà Harris

Các đề xuất thuế mà bà Harris công bố cho đến nay trong chiến dịch tranh cử bao gồm tăng mức thuế đánh vào các tập đoàn, chấm dứt thuế đối với thu nhập từ tiền boa và mở rộng các điều khoản thuế tín dụng trẻ em hiện hành.

Các đề xuất của bà Harris phần lớn được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế của Tổng thống Biden, tập trung vào việc mang lại lợi ích về thuế cho người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, trong khi tăng thuế đối với các tập đoàn và người giàu, John Gimigliano, giám đốc dịch vụ lập pháp thuế của KPMG (Mỹ), chia sẻ với Newsweek. "Phó tổng thống Harris cũng nỗ lực đưa ra quan điểm riêng của mình về thuế với một vài ý tưởng mới".

Tại một cuộc vận động tranh cử ở Bắc Carolina, bà Harris tuyên bố: "Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng cái mà tôi gọi là 'nền kinh tế cơ hội'. Xây dựng tầng lớp trung lưu sẽ là mục tiêu quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi vì tôi tin tưởng rằng khi tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, nước Mỹ sẽ vững chắc".

Tăng thuế doanh nghiệp

Bà Harris đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Trước đó, cựu Tổng thống Trump trong khuôn khổ Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TJCA), đã thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp cố định là 21%, giảm từ 35% dưới thời người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ Barack Obama.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris, James Singer, cho biết: "Động thái này là một phần nỗ lực có trách nhiệm đưa tiền trở lại túi người lao động và đảm bảo tỷ phú cũng như các tập đoàn lớn trả thuế xứng đáng".

Khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đưa ra đề xuất tương tự trong ngân sách năm 2025, Tổ chức Thuế vụ ước tính rằng việc tăng thuế lên 28% sẽ thu về 1.000 tỷ USD từ các năm tài khoá 2024 đến 2034, trong khi Mô hình Ngân sách Penn Wharton ước tính con số này sẽ là 1.200 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Giống như Tổng thống Biden, bà Harris cam kết không tăng thuế đối với bất kỳ cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cũng đề xuất tăng mức thu nhập cận biên cao nhất lên 39,6%, tăng từ mức 37% hiện tại.

Các đề xuất thuế của bà Harris phần lớn được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế của Tổng thống Biden. (Ảnh: Reuters)
Các đề xuất thuế của bà Harris phần lớn được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế của Tổng thống Biden. (Ảnh: Reuters)

Không đánh thuế tiền boa

Tương tự đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, Phó tổng thống Harris hồi tháng 8 tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt thuế thu nhập liên bang đối với tiền boa của nhân viên dịch vụ.

Trong bài phát biểu tại Nevada, cùng tiểu bang mà ông Trump công bố chính sách của mình, bà Harris cho biết: "Khi tôi trở thành tổng thống, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho các gia đình lao động của Mỹ, bao gồm cả việc tăng lương tối thiểu và xóa bỏ thuế đối với tiền boa cho nhân viên dịch vụ và khách sạn".

Javier Palomarez, người sáng lập Hội đồng Kinh doanh Người gốc Tây Ban Nha tại Mỹ, nhận định, lệnh cấm đánh thuế tiền boa của bà Harris có khả năng mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là trong ngành dịch vụ ăn uống.

Ông Palomarez giải thích, đối với một số nhà hàng địa phương, tiền boa có thể chiếm phần lớn thu nhập của nhân viên. Việc bảo vệ số tiền này khỏi bị đánh thuế sẽ giúp nhân viên có thêm thu nhập, tăng cường khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân viên.

Tuy nhiên, Tax Foundation, một tổ chức nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington, cho rằng chính sách như vậy cũng có những nhược điểm vì có thể "làm tăng thêm sự phức tạp của luật thuế" cũng như gây thất thu đáng kể cho chính quyền liên bang.

"Chính sách miễn thuế đối với tiền boa sẽ khó nhắm trúng những người có thu nhập thấp và trung bình, vì tỷ lệ dân số làm việc trong các ngành có tiền boa tương đối nhỏ”, tổ chức này cho biết trong phân tích gần đây. “Tệ hơn nữa, bản thân việc miễn thuế hay bất kỳ biện pháp bảo vệ nào được bổ sung sẽ làm tăng thêm sự phức tạp của luật thuế nói chung. Tùy thuộc vào cách xây dựng chính sách, một khoản miễn trừ thuế này có thể khiến ngân sách mất khoảng 100 tỷ USD trong vòng 10 năm”.

Ủy ban Ngân sách Liên bang Trách nhiệm (CRFB) cũng dự báo chính sách này có thể giảm doanh thu liên bang từ 150 - 250 tỷ USD trong 10 năm.

Mở rộng tín dụng thuế trẻ em

Bà Kamala Harris có kế hoạch khôi phục lại khoản thuế tín dụng trẻ em mở rộng đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Vào năm 2021, chính quyền Tổng thống Biden, trong khuôn khổ Đạo luật Kế hoạch Cứu trợ Mỹ, đã tăng khoản thuế tín dụng trẻ em từ 2.000 USD lên 3.600 USD cho mỗi trẻ. Khoản tiền tăng lên đáng kể trong kế hoạch của bà Harris, khi cung cấp cho các gia đình có trẻ sơ sinh 6.000 USD trong 12 tháng đầu đời của trẻ.

"Chúng tôi sẽ cung cấp 6.000 USD tiền giảm thuế cho các gia đình trong năm đầu đời của trẻ", bà Harris tuyên bố trong bài phát biểu về chính sách tại Raleigh, Bắc Carolina.

Hoa Vũ(Nguồn: Newsweek)
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3
VOVLIVE - Sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới nhất