Theo nghiên cứu của GS. Shikhar Ghosh - một giảng viên lâu năm tại Trường Kinh doanh Harvard, tỷ lệ thất bại tối thiểu của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) là 75%. Trong ngành kinh doanh, có đến 3/4 startup đầu tư mạo hiểm gặp rủi ro. Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng công ty mới của bạn không nằm trong số đó? Tạp chí danh tiếng Forbes có đăng tải bài viết của Dina Ruslan - nhà sáng lập kiêm CEO của công ty công nghệ CODIFY, đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các startup.
CEO Dina Ruslan chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn - một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với những người sáng lập công ty khởi nghiệp. Công ty CODIFY của Dina Ruslan đã được định giá 6 triệu USD và huy động thêm khoản đầu tư 400.000 USD trong quá trình xây dựng ở Trung Á trong thời kỳ Covid-19 và hậu Covid tại Kyrgyzstan.
Luôn khiêm tốn
Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty vào năm 2019, CEO Dina Ruslan cho rằng việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế với tư cách là một công ty đến từ Trung Á sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức, đó là lý do tại sao vào mùa thu năm 2020 - giữa làn sóng đại dịch Covid-19 - công ty CODIFY đã thực hiện một chương trình đặc biệt mang tên "tăng tốc thịnh vượng" ở Kyrgyzstan.
Dù đã có hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng các sản phẩm cấp quốc tế với tư cách là người quản lý dự án nhưng CEO Dina Ruslan chưa bao giờ nghĩ rằng mình không biết cách đóng gói và bán sản phẩm. "Nếu tôi không gạt bỏ niềm tự hào của mình để đăng ký một chương trình tăng tốc, tôi sẽ không bao giờ nhận ra những lỗ hổng kiến thức của mình", CEO Dina Ruslan chia sẻ.
Tìm hiểu thêm về tài chính
Sau khi giành chiến thắng trong chương trình tăng tốc đầu tiên, CEO Dina Ruslan nhận ra rằng có quá nhiều điều mình không biết về tài chính. "Tôi không biết làm thế nào để vượt qua quy trình thẩm định của một nhà đầu tư để được đánh giá về công ty khởi nghiệp của mình. Vì vậy, thay vì dành 1 hoặc 2 tháng cho quy trình thẩm định, chúng tôi đã dành hơn 5 tháng để vượt qua quá trình thẩm định và đạt được mức đánh giá trị giá 1 triệu USD cho sản phẩm của mình", CEO Dina Ruslan nói.
Cân nhắc nghe podcast và video từ các chuyên gia để học cách họ giải thích những chủ đề nặng về tài chính một cách đơn giản. Đọc các bài viết từ những người sáng lập công ty khởi nghiệp đã trải qua quá trình thẩm định cũng có thể giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.
Nên học tiếng Anh
Khi công ty CODIFY bắt đầu mở rộng sản phẩm của mình sang các quốc gia khác để mở rộng quy mô sản phẩm trên khắp Trung Á, CEO Dina Ruslan nhận thấy cần có sự trợ giúp để mở rộng sản phẩm CNTT của mình sang các thị trường khác. "Chúng tôi quyết định đăng ký một chương trình tăng tốc toàn cầu tại Singapore và đã được chấp nhận. Phải nói rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng tôi sẽ không thể làm được điều này nếu không biết tiếng Anh", CEO Dina Ruslan cho hay.
Không quan trọng bạn đến từ quốc gia nào, miễn là bạn nói tiếng Anh và có một sản phẩm CNTT sáng tạo, bạn có thể đăng ký vào bất kỳ chương trình toàn cầu nào. "Một số cách tôi học tiếng Anh là nghe và đọc podcast về tài chính và thẩm định ngôn ngữ. Bạn cũng có thể thử sử dụng các ứng dụng như Duolingo hoặc Skyeng", Dina Ruslan cho biết thêm.
Thận trọng trong đầu tư
Bạn không bao giờ có thể dựa vào các điều kiện thị trường và khoản đầu tư mà bạn không đảm bảo. Cần biết cách tiết kiệm khoản đầu tư và tìm cách tiếp cận mới nếu bạn thấy mình đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế - hãy tập trung vào thị trường ngách và thực hiện tốt lĩnh vực đó thay vì thúc đẩy mở rộng với tốc độ tương tự như trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng. Cách tiếp cận này đã giúp CODIFY giảm tỷ lệ "cháy hàng" và đảm bảo an toàn cho các thị trường. "Thật không may, không phải tất cả các công ty khởi nghiệp mà tôi biết đều sống sót qua khủng hoảng", CEO Dina Ruslan chia sẻ.
Không phân tâm khỏi mục tiêu
CEO Dina Ruslan luôn kiên định với mục tiêu: Xây dựng kỳ lân đầu tiên ở Trung Á bằng cách phát triển nền tảng kết hợp việc làm EdTech (áp dụng công nghệ trong giáo dục) lớn nhất ở khu vực này. "Hãy cố gắng viết đi viết lại các mục tiêu của bạn và mục tiêu của công ty hàng tháng, hàng quý. Và nếu cần, hãy cập nhật chúng thường xuyên", CEO Dina Ruslan đưa ra lời khuyên cho các startup.