Nhiều trẻ biến chứng nặng, phải thở máy do viêm não Nhật Bản

27/06/2022, 11:50

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo trẻ bị viêm não Nhật Bản, thậm chí có trẻ phải thở máy vì bệnh này.

Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản, trong đó ba trẻ biến chứng nặng, một trẻ đang phải thở máy.  

Bé B.A. (5 tuổi, trú tại Hà Nội) sốt cao 38-39 độ C tại nhà, sau đó đau đầu tăng dần và ngủ nhiều. Thấy con biểu hiện lạ, người nhà đưa trẻ tới bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản, lập tức nhập viện điều trị. Nhờ điều trị kịp thời, bệnh nhi dần ổn định.  

Theo các bác sĩ, đa phần trẻ bị di chứng nặng do bỏ qua mũi tiêm nhắc lại cho trẻ sau 2 tuổi. Khi thấy trẻ biểu hiện sốt cao, buồn nôn, ngủ li bì, phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám. Trẻ nhiễm viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh chỉ 2 ngày.  

TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi. 

Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.

Tuy đa số các trẻ được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.  

Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi.

Nhiều trẻ biến chứng nặng, phải thở máy do viêm não Nhật Bản - 1

Một bệnh nhi viêm não Nhật Bản nặng, phải thở máy đang nằm điều trị tại BV Nhi Trung ương.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Trường hợp nặng có thể có các biểu hiện: Co giật, giảm khả năng nhận thức, trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê. Trẻ còn bị rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.  

Viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Virus viêm não Nhật Bản có trong các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim) đây gọi là những vật chủ trung gian. Muỗi đốt các loài động vật mang virus (vật chủ trung gian) sau đó đốt người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản sang người.

Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta. 

Cách phòng bệnh

Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là vaccine. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3: 1 năm sau mũi 2. Sau đó tiêm nhắc lại 3 - 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi. 

Ngoài ra, người lớn cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường nơi ở thông thoáng, sạch sẽ. 

Viêm não Nhật bản là bệnh nặng, diễn biến rất nhanh, tỷ lệ tử vong và di chứng cao, nên nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt với trẻ biểu hiện co giật, rối loạn ý thức cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời", TS.BS Nguyễn văn Lâm khuyến cáo.  

Ngọc Hà
Bài liên quan
Vaccine chống ung thư có tác dụng thế nào khi thử nghiệm?
Nhà khoa học Nga cho biết các nghiên cứu tiền lâm sàng về vaccine ung thư họ phát triển cho thấy, vaccine ngăn chặn sự gia tăng của khối u, cũng như khả năng di căn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Sẽ có chính sách phù hợp để lao động hợp đồng không chịu thiệt thòi
Chiều nay 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Mới nhất