Nhiệm vụ then chốt của Quảng Ninh làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Văn Hiếu- Trường Giang/VOV | 06/04/2022, 18:16

Tổng Bí thư lưu ý, Quảng Ninh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn.

Hôm nay (6/4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Cùng đi với Tổng Bí thư có bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương.

Đầu giờ sáng nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng niệm Đức Vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Yên Tử. Trần Nhân Tông là một trong những vị vua anh minh bậc nhất của lịch sử nước Việt, một nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng, Người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt nam, hiện thân của sự kết hợp giữa đạo và Đời để bảo vệ xây dựng và phát triển Đất nước. Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn hoà quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của Đất nước.

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm kiểm tra, động viên toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin trên địa bàn Thành phố Uông Bí. Sau khi trực tiếp kiểm tra đời sống của cán bộ công nhân viên tại Khu tập thể nhà ở cho công nhân của công ty, nói chuyện thân mật với đông đảo công nhân, kỹ thuật viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng đời sống và thu nhập của cán bộ công nhân viên công ty không ngừng được nâng cao, đặc biệt hệ thống chính trị trong công ty đã không ngừng được chăm lo, củng cố xây dựng và trưởng thành về mọi mặt.

Khẳng định vai trò quan trọng và truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng từ xưa đến nay vô cùng anh hùng trong tất cả các thời kỳ kể cả trong trong kháng chiến, trong hòa bình và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, giai cấp công nhân Việt Nam luôn có những đặc thù riêng không chỉ là những lao động giỏi mà phải cũng có đời sống văn hóa và luôn tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. 

Tổng Bí thư chúc toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin và gia đình sắp tới tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xây dựng quê hương Quảng Ninh nói riêng đất nước Việt Nam anh hùng nói chung ngày càng phát triển giàu mạnh và vươn lên không kém gì các nước trên thế giới. Giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc thù riêng của công nhân Việt Nam không những chỉ có lao động giỏi mà còn có đời sống văn hóa là có tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và chăm lo gia đình thật sự là hạnh phúc.

Báo cáo Tổng Bí thư tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Thông báo số 108- ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị và hơn 5 năm thực hiện Thông báo số 06 ngày 09/5/2016 của Văn phòng Trung ương về “kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư tại Quảng Ninh”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa XIII, XIV, XV đã giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; liên tục kế thừa, đổi mới, phát triển; tập trung khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, giải quyết các mâu thuẫn, thách thức; tự lực, tự cường phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Giữ gìn, khơi dậy và phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2020 theo kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, kinh tế địa phương liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 9,2%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%, đều cao hơn so với bình quân chung cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể. Năng suất lao động bình quân tăng từ 85,6 triệu đồng/người năm 2010 lên 292,9 triệu đồng/người năm 2020; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR) trong giai đoạn 2011 - 2020 giảm từ 6,3 năm 2011 xuống 5,49 năm 2020. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; năm 2020 đạt 219.378 tỷ đồng. Riêng trong năm ngoái, GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,15% năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị quan tâm xem xét chỉ đạo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Thông báo số 108 ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”; ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hình thành hệ quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương đối với Quảng Ninh khi chuyển sang thời kỳ phát triển mới nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng, vai trò, trách nhiệm của một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Chỉ đạo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 13 ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, cho chủ trương về việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và mô hình phát triển vùng và cơ chế điều phối vùng. Trong đó, có cơ chế chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; xây dựng khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái- Đông Hưng tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế…

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây; Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc. Nổi bật là kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển; đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Đảng bộ nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới.

Mặc dù vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, một số tồn tại hạn chế của địa phương như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện có những nội dung, những việc chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai,... có mặt còn hạn chế. Nhấn mạnh, năm nay và những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19; do đó tuyệt nhiên không được chủ quan, mất cảnh giác; nhất là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn.

Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Quảng Ninh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thoả mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh. Bởi thực tế cho thấy, mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn mới lại xuất hiện, nhiều khi phức tạp hơn; khó giải quyết hơn; nếu chủ quan, tự mãn, say sưa với thắng lợi, không thấy hết những khó khăn ở phía trước, thì rất dễ bị vấp váp, bị tụt hậu, thậm chí đi đến sai lầm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Tôi hoan nghênh Quảng Ninh vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỉnh cũng cần, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo, người có thu nhập thấp. Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái; đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn với chiến lược, chương trình hành động cụ thể. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với lộ trình chuyển đổi nhiều vùng từ khai thác than sang phát triển du lịch - dịch vụ. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải đổi mới công tác giáo dục từ tư duy, nếp nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân. Với đặc thù và tự hào công nhân vùng mỏ đã hình thành hàng trăm năm, thì nay tại các khu công nghiệp, dịch vụ mới rất sôi động của Quảng Ninh đã và đang hình thành đội ngũ công nhân mới rất đông đảo; Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần chăm lo xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thực sự là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển của Quảng Ninh:

 Tổng Bí Thư nhấn mạnh, cần gắn kết hài hoà phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Các đô thị ở Quảng Ninh đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh vẫn còn khu vực nông thôn rộng lớn, đồng bào các dân tộc thiểu số, cư dân hải đảo,... vì vậy trong chiến lược phát triển của tỉnh, Quảng Ninh cần hết sức chú trọng xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững. Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược mới hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hình thành nên các vùng động lực, hành lang phát triển mới. Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo. Nắm và dự báo đúng tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả mọi tình huống; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với tỉnh để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa./.

Bài liên quan
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hà Nội trang hoàng cờ hoa rực rỡ Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhiều tuyến phố Thủ đô được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, áp phích, băng rôn chào mừng Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).
Mới nhất