Nhạc sĩ Trọng Loan sinh ra ở Yên Bái nhưng quê gốc lại ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Năm 1940 ông tham gia cách mạng tại thành phố Vinh, Bến Thủy, tỉnh Nghệ An. Ông từng cùng các đội viên thanh niên cứu quốc Phan Đình Phùng khởi nghĩa cướp chính quyền, sau đó ông nhập ngũ khi mới gần 22 tuổi.
Nhạc sĩ Trọng Loan bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc với tác phẩm đầu tay: "Bài ca thanh niên xung phong Phan Đình Phùng". Sau bài hát này, ông nhập ngũ và trở thành một nhạc sĩ quân đội cho đến tận cuối đời. Giai đoạn từ năm 1960-1970, nhạc sĩ Trọng Loan đi nhiều, viết nhiều, nhiều ca khúc của ông cũng ra đời kịp thời phản ánh nhanh các sự kiện của chiến trường như: “Gửi Cồn cỏ anh hùng”, “Người Châu Yên em bắn máy bay”, “Hát về nữ anh hùng Lê thị Hồng Gấm”, “Quân reo quê mẹ Quảng trị anh hùng”…
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhiều sáng tác của nhạc sĩ Trọng Loan cũng kịp thời phản ánh đời sống và con người thời kỳ này như: “Từ mùa xuân này ta hát chung bài ca”, “Nếu em tới thăm đảo”, “Biển và em”, “Trăng sáng trên rừng quế”…
Trong những tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Loan viết ở thời kỳ kháng chiến cứu nước, có một tác phẩm không thể không nói tới, đó là “Lời ca dâng Bác”, ông viết mừng thọ Bác Hồ ngày 19/05/1968. Bài hát đã được NSND Thanh Huyền thể hiện và phát trên làn sóng Đài TNVN, nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và được thính giả yêu thích.
Mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả năm 2000, bài hát “Lời ca dâng Bác” đã nhận được nhiều thư thính giả gửi về. Xin trích một số thư gửi đã gửi về chương trình.
Bác Nguyễn Phùng Hai, cán bộ hưu trí ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh trong lá thư ngày 28/04/2000 đã viết: ““Lời ca dâng Bác” là một trong những bài hát hay. Bài hát một thời để nhớ của nhạc sĩ Trọng Loan ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Với giai điệu thiết tha, cuốn hút lòng người một tình cảm dạt dào, trìu mến sâu sắc: Có mối tình nào mà thủy chung, mà son sắt/Như tấm lòng miền Bắc hướng về miền Nam”.
Tác giả đã gắn kết tình thương của Bác đối với Miền Nam thành một tình thương duy nhất, rộng lớn bao la: Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình/Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình”Cách dùng điệp ngữ để nhấn mạnh điều muốn nói đã làm cho bài hát gây được ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc cho người nghe…”
Bác Nguyễn Phùng Hai viết tiếp: “Lúc sinh thời Bác thường nói: một ngày Miền Nam chưa được giải phóng là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tình thương của Bác đối với đồng bào Miền Nam không chỉ là tình thương của vị cha già đối với những người con, mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha”.
Từ xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, ngày 02/05/2000 bác Nguyễn thị Tâm, một thính giả sinh năm 1954 tại một miền quê Trung Du “Rừng cọ đồi chè” khi gửi về Yêu cầu thính giả những cảm nhận về bài hát “Lời ca dâng Bác” đã tâm sự với chúng tôi: "Tôi rất thích nghe ca nhạc nhất là những bài hát truyền thống về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiếc đài bán dẫn luôn là người bạn đồng hành của tôi. Thời gian gần đây Đài TNVN có chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” theo tôi là bổ ích và lý thú. Theo dõi trên đài tôi thấy nhiều bài bình của bạn nghe Đài hay quá, hôm nay tôi mạnh dạn gửi về Đài cảm nhận của tôi về bài hát “Lời ca dâng Bác” của nhạc sĩ Trọng Loan".
Bác Nguyễn thị Tâm viết tiếp: “Bài hát nào viết về Đảng, bác cũng hay, nghe rôi mà cứ muốn nghe mãi. Một trong những bài hát đó là “Lời ca dâng Bác” .
Ai yêu miền Nam như tấm lòng miền Bắc/Có mối tình nào mà thủy chung, mà son sắt/Như tấm lòng miền Bắc hướng về miền Nam. Lúc sinh thời Bác vẫn thường nói: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Cho đến ngày sắp vĩnh biệt chúng ta, Bác vẫn có một niềm mong ước: nước nhà hoàn toàn độc lập, đất nước thống nhất, đồng bào Nam Bắc được sum họp một nhà. Thật là chung thủy, là son sắt như lời của Bác đã khẳng định: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Có thể nói tình cảm của Bác với đồng bào Miền Nam phải sánh với non cao biển rộng: Bao núi bao sông, mấy nghĩa mấy tình/ Bao núi bao sông, mấy nghĩa mấy tình.
Trong những năm dài chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, miền Bắc luôn là hậu phương vững chắc của thành đồng Miền Nam. Miền Bắc luôn sẵn sàng chi viện cho Miền Nam cả sức người, sức của. Miền Bắc sẵn sàng chia lửa với miền Nam ruột thịt. Như tấm lòng Miền Bắc hướng về Miền Nam. Trong mỗi con tim mỗi người dân Miền Nam luôn có hình ảnh của Bác, luôn nhớ đến Bác với một lòng tin sắt son tới thắng lợi: Trong tim miền Nam in bóng hình của Bác/ Tiền tuyến thành đồng, mà hậu phương, mà lũy thép/Theo tiếng Người giục bước tới thắng lợi vẻ vang./Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng/Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng..”
Điệp khúc: “Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng”được nhạc sĩ nhắc đi nhắc lại như một lời khẳng định-Nhất định đất nước sẽ thống nhất để thỏa lòng mong ước của Người.
Cảm ơn nhạc sĩ Trọng Loan đã viết rất thành công bài hát “Lời ca dâng Bác” kính dâng lên Bác lòng thành kính biết ơn sâu nặng của những người con đất Việt chúng ta. Cảm ơn nghệ sĩ Thanh Huyền đã thể hiện rất thành công bài hát nhờ thế mỗi lần được nghe “Lời ca dâng Bác” bài hát lại làm cho ta xúc động.