Trên một hội nhóm mạng xã hội mới đây xuất hiện những dòng nhật ký trong 4 cuốn vở cũ ngả màu đã để lại nhiều cảm xúc cho những ai vô tình đọc được. Nội dung trang nhật ký được viết bởi một cụ ông từng có năm tháng thanh xuân trải qua thời chiến và được chia sẻ lại bởi người cháu của ông.
4 cuốn vở tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng từng trang giấy vẫn hiện rõ từng nét chữ dứt khoát với cách hành văn đầy cảm xúc.
Theo chia sẻ của người cháu, những trang nhật ký được viết từ cuối năm 1961 đến năm 1969, thời điểm ông công tác xa quê hương. Trong đó, từ năm 1961 đến 1968 là những tâm tư viết chủ yếu về tình cảnh đất nước khi vẫn đang trong loạn lạc, nỗi nhớ nhà và bạn bè, và đến năm 1969 có thêm nỗi nhớ “em yêu” - cách gọi thân mật của ông dành cho vợ mình.
Từng dòng chữ gửi gắm biết bao xúc cảm, thương nhớ, buồn giận… gián tiếp khắc họa bức tranh về thời đó cùng sống động nhưng cũng đầy chất thơ được nhiều bạn trẻ phải xuýt xoa, ngợi khen như đang đọc một tác phẩm văn học.
Bên cạnh những trang giấy lưu lại những sự kiện diễn ra trong ngày tháng chiến tranh, tình cảm của người ông gửi gắm đến với bạn gái/vợ mình là một trong những điều khiến người đọc vô cùng ấn tượng.
Cái thời phương tiện liên lạc vẫn còn khó khăn, lần gặp gỡ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tình cảm của hai ông bà không chỉ nhạt phai mà khắng khít đến tận khi tóc bạc, mắt mờ. Càng đọc lại càng khó lòng kiềm được sự ngưỡng mộ dành cho mối tình “thời ông bà” của cụ ông.
“27/1/1969
Thư gửi Em đã một tuần rồi
Sao nay vẫn chưa thấy thư hồi?
Có phải đường thư đi trắc trở?
Hay là Em còn nghĩ xa xôi?
Em ạ, lòng anh đã quyết rồi
“Yêu em” chỉ có vậy mà thôi
Yêu em giờ đã thành chân lý
Soi sáng lòng anh ánh mặt trời.”
Cùng với một tấm lòng hết mình vì đất nước, ngóng trông về quê hương, gia đình và người vợ dấu yêu, tình cảm thương mến của ông dành cho những người bạn chí cốt cũng hiện lên rất chân thành. Được biết, đến khi về già, tình bạn giữa ông và người bạn tên Đỉnh vẫn luôn thân thiết như ngày còn đôi mươi.
9 năm của người ông gói gọn trong 4 quyển nhật ký giờ đây trở thành gia tài quý giá của không chỉ con cháu trong nhà, mà còn là tài liệu hiếm hoi để giới trẻ ngẫm đọc khi nhìn lại về một thời quá khứ đầy thăng trầm của dân tộc.