Không chỉ nổi tiếng trong phim Hoàn châu Cách Cách hơn 10 năm trước, nhân vật Hàm Hương hay còn gọi là "Hương phi" thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm vào cuối triều Thanh.
Tên gọi này có từ năm thứ 18 thời vua Quang Tự (1875-1908), tức 1892, trong tác phẩm "Tây Cương tạp thuật thi" của nhà văn Tiêu Hùng. Nhà văn này viết rằng, Hàm Hương thời Càn Long là người Khách Thập Cát Nhĩ, thân thế bất phàm, khắp người tỏa hương thơm, tính tình thật thà, thương mẹ nhưng phải xa nhà.
Theo các nhà khảo cổ Trung Quốc, đây là người có thật trong lịch sử Trung Quốc. Họ phát hiện phần mộ của Hàm Hương tại lăng Tuân Hóa Thanh Đông, thuộc thành phố Đường Sơn, tỉnh Hồ Bắc.
Trong mộ có bức tượng, phía dưới viết chữ "Hàm Hương là người Hồi Bộ (tức Tân Cương ngày nay), nàng vô cùng xinh đẹp, khắp người tỏa hương thơm mà không dùng dược liệu nên được gọi là Hàm Hương".
Vua Càn Long (1735-1796) có hơn 40 phi tần và quả thật có một phi người dân tộc Hồi là Dung phi. Việc trên người nàng tỏa hương thật hay không chưa thể kiểm chứng.
Hàm Hương sinh ra trong gia tộc Hòa Trác, thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, nên còn gọi là Hòa Trác Thị. Anh trai nàng là Đồ Nhĩ Đô, thủ lĩnh thứ 29 của Hồi Bộ.
Năm 1760, sau khi dẹp loạn ở Hồi Bộ, Đồ Nhĩ Đô cùng các trợ thủ của mình tới Bắc Kinh, được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu và phong làm Nhất đẳng đại cát. Em gái Đồ Nhĩ Đô khi đó 27 tuổi cũng được vào cung, được phong làm Hòa quý nhân, chính là Hàm Hương. Càn Long sau khi thống nhất Tân Cương liền yêu cầu liên hôn vì mục đích chính trị.
Tương truyền khi Hàm Hương vào cung thì có điềm lành, cây vải phương Nam trồng trong cung năm đó sai hơn 200 quả. Vì vậy, nàng rất được vua xem trọng và yêu thương. Năm thứ ba sau khi nàng vào cung, tức 1762, hoàng thái hậu sắc phong nàng làm Dung tần.
Năm 1765, vua Càn Long đi thị sát phía nam, mang theo hơn 1.000 người trong hoàng tộc, trong đó có Hàm Hương. Trên đường đi, vua vô cùng sủng ái nàng, tặng nàng hơn 80 loại món ăn. Vẻ đẹp và tình yêu quê hương của Hàm Hương khiến vua càng thêm yêu thương và tín nhiệm nàng. Năm 1768, hoàng thái hậu phong nàng làm Dung phi và tặng nàng quần áo và trang sức triều Mãn Châu.
Hoàng hậu qua đời, vua Càn Long không muốn lại lập hậu. Năm 1775, hoàng quý phi bị ban tội chết, còn mỗi Dung phi là người có địa vị cao nhất trong cung, được vua coi trọng. Năm 1788, Hàm Hương qua đời, hưởng thọ 55 tuổi.