
Dù được kỳ vọng sẽ giúp EU - Trung Quốc giải quyết các bất đồng, thúc đẩy và tái cân bằng quan hệ song phương, song hội nghị vừa khép lại với những kết quả hạn chế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả quan hệ Trung Quốc - EU là “cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác hai bên trong bối cảnh quốc tế đầy biến động: "Cả Trung Quốc và EU có thể kiến tạo nên chủ nghĩa đa phương, cởi mở và hợp tác, vì vậy hai bên cần tăng cường giao lưu, củng cố lòng tin và làm sâu sắc hơn hợp tác trong bối cảnh quốc tế ngày càng nhiều thách thức và phức tạp. Là những "ông lớn" trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc và EU nên tiếp tục phát triển quan hệ song phương theo đúng hướng và cùng nhau đưa mối quan hệ này tiến tới một tương lai tươi sáng hơn trong 50 năm tới."
Vấn đề mất cân bằng thương mại tiếp tục là tâm điểm của các cuộc thảo luận. Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại sâu sắc về thâm hụt thương mại lớn từ phía mình, cùng với các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận thị trường, trợ cấp của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện, và các hạn chế xuất khẩu khoáng sản hiếm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cân bằng mối quan hệ thương mại đồng thời kêu gọi hai bên “thừa nhận các lo ngại của nhau và tìm kiếm giải pháp thực chất”.
“Trọng tâm chính của chúng tôi là đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. Hiện tại, chúng tôi đang có những cuộc tiếp xúc và thảo luận kỹ thuật và chính trị rất căng thẳng. Nhưng chúng tôi cũng đã nói rõ từ nhiều tuần trước tại sao chúng tôi muốn một giải pháp thông qua đàm phán. Tất cả các công cụ khác đều đang được xem xét và sẽ tiếp tục được thảo luận cho đến khi chúng tôi có được một kết quả khả quan."
Ngược lại, Trung Quốc kêu gọi EU duy trì thị trường mở và tránh sử dụng các công cụ kinh tế hạn chế. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng EU có thể sẽ tăng cường sử dụng các công cụ bảo vệ thương mại trong những tháng tới do sự thất vọng về việc Trung Quốc chưa giải quyết được các quan ngại của họ.
Bên cạnh thương mại, xung đột Nga - Ukraine cũng là một chủ đề quan trọng. EU tiếp tục kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để thúc đẩy chấm dứt xung đột. Trong bối cảnh căng thẳng bao trùm, hợp tác về biến đổi khí hậu được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi. Cả hai bên đều cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này và kỳ vọng đạt được tuyên bố chung về khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Tuyên bố chung của chúng ta về khí hậu và môi trường là một bước tiến lớn. Cả hai chúng ta đều nhìn thấy cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như giao dịch khí thải, thu hồi và lưu trữ carbon, và nền kinh tế tuần hoàn. Và sự hợp tác của chúng ta có thể thiết lập một chuẩn mực toàn cầu. Liên minh châu Âu và Trung Quốc phải cùng nhau thực hiện Thỏa thuận Paris ngay bây giờ, hơn bao giờ hết."
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này chưa đạt được các kết quả đột phá như mong đợi. Các vấn đề cốt lõi như thương mại, ngành xe điện hay quan hệ với Nga vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt. Dù vậy, các nhà lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh cam kết duy trì kênh đối thoại, hợp tác cởi mở và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Điều này cho thấy, dù còn nhiều bất đồng, cả EU và Trung Quốc đều nhận thức tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ và quản lý sự cạnh tranh mang tính xây dựng.