Nguy cơ quan hệ Trung Quốc-Australia sẽ “chạm đáy”?

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh, Việt Nga/VOV-Australia | 07/05/2021, 12:09

Quyết định đình chỉ vô thời hạn đối thoại thương mại, kinh tế cấp cao với Australia được xem như bước đi trả đũa quyết liệt của Trung Quốc sau khi Canberra có động thái đảo ngược sự tham gia của bang Victoria vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Bắc Kinh khởi xướng.

Trung Quốc cảnh báo sẽ “kiên quyết và mạnh mẽ”

Với giới phân tích và những người theo dõi quan hệ Trung Quốc - Australia bấy lâu nay, động thái trên của Bắc Kinh không quá gây ngạc nhiên. Bởi ngay khi Australia tuyên bố hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa hai nước, Trung Quốc đã gọi việc làm này là “đảo ngược bánh xe lịch sử”, khiến quan hệ vốn đã “khó khăn” giữa hai bên trở nên tồi tệ.

Bên cạnh việc “giao thiệp nghiêm khắc” với Canberra, Bắc Kinh còn tuyên bố “bảo lưu quyền đưa ra những phản ứng tiếp theo”, cũng như đáp trả kiên quyết và mạnh mẽ. Cảnh báo này cho thấy, việc Trung Quốc trả đũa Australia là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra, chỉ là khi nào và mức độ, cách thức ra sao. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh làm điều này với Canberra và lần nào cũng mạnh tay, bởi không chỉ là trả đũa, Trung Quốc còn muốn “cảnh báo và răn đe” Australia và cả các nước khác.

Trong phản ứng mới nhất đưa ra sau quyết định “đình chỉ vô thời hạn” Đối thoại Kinh tế Chiến lược với Australia của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, đây là “phản ứng cần thiết và chính đáng” của Bắc Kinh và Australia phải chịu mọi trách nhiệm về điều này.

Australia là quốc gia đầu tiên hủy bỏ các dự án liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” - chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc trong liên kết cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của nước này. Do vậy, quyết định trên của Canberra như một đòn giáng mạnh khiến Trung Quốc “mất mặt” và có nguy cơ tạo ra tiền lệ cho các quốc gia khác thực hiện động thái tương tự đối với Bắc Kinh.

Không chỉ vậy, gần đây, Australia còn được cho là đang xem xét lại thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm. Thêm vào đó, là các tuyên bố liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh, như Tân Cương, Đài Loan… Tất cả các động thái này chả khác nào “thêm dầu vào lửa” chọc giận Trung Quốc.

Quay trở lại với Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia vừa bị tuyên bố đình chỉ. Đây là một cơ chế quan trọng trong khuôn khổ Cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng hai nước. Cuộc gặp lần thứ 7 và cũng là cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng hai bên tổ chức hồi cuối năm 2019. Năm ngoái, cuộc họp này đã bị hủy do dịch Covid-19. 

Do vậy, có thể nói, phản ứng này của Trung Quốc đối với Australia báo hiệu nhiều kênh liên lạc song phương giữa hai chính phủ có thể bị gián đoạn, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên có thể tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới.

Lý do Australia cứng rắn với Trung Quốc

Trước khi Trung Quốc quyết định đình chỉ đối thoại kinh tế cấp cao với Australia, Australia cũng đã đưa ra nhiều quyết định và tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, mà việc rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường được cho là động thái biểu tượng “động chạm” đến uy tín của Trung Quốc trên toàn cầu.

Thực tế trong những năm gần đây, những thay đổi trong bối cảnh khu vực và thế giới, sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này phớt lờ luật pháp quốc tế, ve vãn các quốc đảo Thái Bình Dương từng có mối quan hệ rất thân thiết với Australia khiến Australia cảm thấy an ninh và lợi ích của nước này bị đe dọa nên buộc nước này phải tự mình đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia.

Cụ thể trong Sách Trắng Ngoại giao được công bố năm 2017, Australia đã đề cập đến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại theo hướng tự chủ hơn, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực nhằm dẫn dắt các nỗ lực xây dựng khu vực hòa bình, ổn định. Trên cơ sở này, Australia đã ban hành một loạt chính sách mới nhằm xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tăng cường đảm bảo an ninh và chống sự can thiệp từ bên ngoài như Luật chống can thiệp từ bên ngoài hay Luật Quan hệ đối ngoại.

Dựa trên các nền tảng pháp lý này Australia đã ra một loạt các quyết định khiến Trung Quốc không hài lòng như như không cho Trung Quốc tham gia vào xây dựng mạng 5G hay mới đây nhất là trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hủy bỏ thỏa thuận Vành đai và con đường mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc

Vì Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia nên không chỉ dư luận mà cả chính quyền cũng đều cẩn trọng trong các quyết sách liên quan đến Trung Quốc nhằm tránh tối đa các tác động đến quan hệ kinh tế - thương mại. Tuy vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc bị ngưng trệ trong một khoảng thời gian đã khiến cho điều không mong chờ đã đến. Trong bối cảnh này, Australia quyết định có những bước đi mạnh mẽ hơn vừa để gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc vừa buộc các doanh nghiệp trong nước không được quá ỷ lại vào thị trường Trung Quốc mà cần phải đi tìm các thị trường khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong lúc Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm việc nhập khẩu hàng hóa từ Australia thì các doanh nghiệp của Australia cũng đã năng động hơn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tại một số nơi, mà Việt Nam là một trong số đó.

Cung đã bắn đi liệu có thể vãn hồi?

Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia là cơ chế quan trọng giúp củng cố mối quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư song phương. Cơ chế này là một kênh liên lạc và gặp gỡ song phương hàng đầu giữa chính phủ hai bên về kinh tế. Đây là lần đầu tiên một cơ chế ngoại giao giữa hai nước bị đóng băng do quan hệ song phương xấu đi.

Cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng hai nước đang bị gián đoạn, các cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng hai bên cũng chưa được nối lại, giờ thêm một cơ chế đối thoại cấp làm việc giữa hai nước bị tạm dừng. Xét về lâu dài, việc làm này sẽ khiến hai bên mất đi một kênh trao đổi trực tiếp rất quan trọng, khiến việc giảm bớt bất đồng, thu hẹp khoảng cách và giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai bên ngày càng trở nên khó khăn. Tất cả những điều này có thể sẽ làm cho mối quan hệ song phương vốn đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong những tháng gần đây có thể tiếp tục lao dốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang tạo ra một đường lùi cần thiết cho quan hệ song phương với tuyên bố “đình chỉ vô thời hạn”, chứ chưa phải là “hủy bỏ” cơ chế này. Mọi thứ vẫn có thể nối lại vào thời điểm bất kỳ nào đó trong tương lai, nếu Bắc Kinh thấy rằng Canberra có “thiện chí” trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Còn ở phía Australia, nước này đang chủ động thay đổi chính sách đối ngoại không phải chỉ là để ứng phó với Trung Quốc mà là nhằm khẳng định vị thế của một quốc gia tầm trung, chủ động can dự vào tình hình khu vực và thế giới, để dẫn dắt các nỗ lực, xu hướng có lợi cho quốc gia và đảm bảo khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Vì vậy, sự cứng rắn hơn với Trung Quốc được đặt nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại chung chứ không phải Australia chỉ điều chỉnh quan hệ với riêng Trung Quốc. Từ đó có thể thấy khi mà mục đích chung chưa đạt được thì Australia sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy các chính sách, không chỉ riêng với Trung Quốc mà với cả các quốc gia khác cho đến khi nước này đạt được mục đích của mình.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hơn một lần khẳng định ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc song cũng mong muốn nước này “hành xử tương xứng với vị thế mới” thông qua việc “thể hiện trách nhiệm trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, là sự minh bạch, hợp tác và ủng hộ các quốc gia khác” và mong Trung Quốc gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế./.

Bài liên quan
Robot nhỏ rủ rê 12 robot lớn 'bỏ việc' gây xôn xao Trung Quốc
Dư luận Trung Quốc những ngày qua xôn xao với vụ việc một robot nhỏ dụ dỗ và 'bắt cóc' 12 robot lớn hơn trong đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất