
Giữa những lo ngại về xung đột Gaza, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những địa chấn kinh tế lan khắp lục địa Á-Âu, cuộc chiến Ukraine đang đánh mất dần sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Dù giao tranh vẫn tiếp diễn dọc các mặt trận miền Đông với cường độ cao, ngay cả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Istanbul trong tuần qua cũng không còn xuất hiện nhiều trên các bản tin phương Tây.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, với vai trò là bên trung gian hòa giải, ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn khi tiến trình hòa đàm vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 14/7, ông tuyên bố Ukraine vẫn có thể tiếp tục tiếp cận vũ khí Mỹ, nhưng với điều kiện các nước NATO phải đứng ra thanh toán. Cùng lúc, ông Trump đặt ra tối hậu thư 50 ngày cho Moscow để đạt một thỏa thuận hòa bình. Nếu không, Nga sẽ đối mặt với loạt thuế quan "thứ cấp" lên tới 100% cùng các gói trừng phạt mới "rất nghiêm khắc".
Nếu thực sự được triển khai, các biện pháp này không chỉ giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế Nga mà còn có thể gây ảnh hưởng lớn đến các đối tác thương mại chủ chốt của Moscow như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy vậy, giới phân tích vẫn hoài nghi về hiệu quả thực tế của những lời đe dọa này. Theo ông Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, Điện Kremlin tin rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khó có thể duy trì một chiến lược đối ngoại nhất quán, đặc biệt trong việc hỗ trợ Ukraine hay áp đặt áp lực kinh tế đủ lớn để kiềm chế Nga.
Phát biểu với NBC News, ông Bielieskov nhận định: “Các biện pháp trừng phạt thứ cấp thực sự hiệu quả sẽ đòi hỏi Mỹ sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc và Ấn Độ – điều mà Nga tin là khó xảy ra, nhất là dưới một chính quyền có xu hướng đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu”.
Thực tế, chính cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động đã góp phần làm xáo trộn trật tự toàn cầu, khiến nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh phương Tây, phải tính toán lại lợi ích của mình. Các chính sách thuế quan nhằm vào Trung Quốc, châu Âu và các đối tác lớn đã vô tình tạo ra khoảng trống chiến lược, khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ cũng tìm cách giữ vị trí trung lập, vừa hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ của Nga, vừa không muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây.
Trong bối cảnh đó, Ukraine bị đẩy vào tình thế lưỡng nan: vừa cần sự hậu thuẫn quân sự dài hơi từ Mỹ và NATO, vừa phải dè chừng trước những chuyển động chính trị khó đoán từ Nhà Trắng.
Trong khi viện trợ quân sự từ phương Tây vẫn tiếp tục, ông Bielieskov cảnh báo rằng tốc độ và quy mô hiện tại là chưa đủ để tạo nên bước ngoặt chiến lược. Ukraine đang phải chiến đấu trong điều kiện thiếu hụt đạn dược, vũ khí và hệ thống phòng không, trong khi Nga – bên đang nắm giữ những lợi thế nhất định trên chiến trường, vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc chấp nhận đàm phán các bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Với tình hình hiện tại, cả Ukraine và Nga đều bị mắc kẹt trong một ván cờ chiến lược mà các quân cờ không chỉ nằm ở Donetsk hay Crimea, mà còn ở bàn nghị sự của G7, trong các phiên điều trần quốc hội Mỹ và trong chiến lược ngoại giao khó đoán của ông Trump.
Trong bối cảnh ấy, triển vọng hòa bình càng lúc càng nhạt nhòa. Thế trận giằng co không lối thoát giữa Nga và Ukraine gần đang lặp lại những chu kỳ cũ: nổ súng, đàm phán, bế tắc; rồi lại tiếp tục nổ súng. Một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Zelensky có thể sẽ không mang lại nhiều thay đổi cho tiến trình hòa đàm hiện tại, khi những mâu thuẫn cốt lõi giữa Nga-Ukraine vẫn chưa được gỡ bỏ.