Người phụ nữ 33 năm đón Tết ngoài đường phố

Chung Thủy/VOV.VN | 21/01/2023, 20:10

Đêm 30 Tết là lúc người người, nhà nhà người tạm gác lại công việc bộn bề để trở về bên gia đình, cùng nhau đón giao thừa. Thế nhưng, giữa dòng người vội vã về nhà đoàn viên, vẫn còn đó những người lao công đang thầm lặng thức trọn đêm để thu gom rác, làm đẹp phố phường trong ngày đầu năm mới.

33 năm không được đón giao thừa ở nhà

Có thâm niên làm nghề thu gom rác 33 năm nay, đây cũng là khoảng thời gian chị Trương Thị Minh Lan (51 tuổi), tổ trưởng Tổ môi trường 2, chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, phải đón giao thừa ở "ngoài đường" cùng các đồng nghiệp.

Ca làm việc của chị Lan bắt đầu từ 3h chiều ngày 30 Tết. Chị cùng kíp làm việc gồm 4 người, tỏa ra các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Hào Nam, Hoàng Cầu… để thu gom rác sau đó đưa rác lên xe chở đi.

Trong cái lạnh tê tái của đêm cuối năm, những chiếc xe chở rác cao ngất, nối dài trên các điểm tập kết tại phố Tôn Đức Thắng, chị Lan cùng một đồng nghiệp nữ và một lái xe chở rác thoăn thoắt thu dọn, vận chuyển hàng chục xe rác, cẩu lên ô tô để chở đi. Công việc này quá đỗi quen thuộc hàng ngày nên chỉ trong vòng 15 phút, khối lượng rác khổng lồ đó đã được các anh chị xử lý, quét dọn sạch sẽ và trả lại mặt bằng thông thoáng cho đường phố.

Chị Lan kể, vào những ngày trước, trong và sau Tết, số lượng rác tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, vậy nên, công việc vất vả hơn rất nhiều.

Vừa kể chuyện, chị Lan vừa tiếp tục di chuyển đến một điểm tập kết rác khác cũng nằm trên con phố này. Câu chuyện chưa dứt, một chiếc xe cẩu rác nữa lại tới, chị Lan vội vã cùng đồng nghiệp đẩy hơn 10 xe chất đầy rác để di chuyển về bãi rác Nam Sơn.

Với chị Lan, năm nay là năm thứ 33 chị không được đón Tết cùng gia đình. Giao thừa năm nào cũng vậy, chị trở về nhà và bữa ăn tối của chị bắt đầu vào lúc 3-4 giờ sáng.

Chị Lan tâm sự, trong thời khắc giao thừa, khi mọi người được quây quần, đón Tết cùng gia đình, cùng chúc tết, đi chùa, thì các công nhân môi trường đô thị lại phải căng mình làm việc, quét dọn để đường phố được sạch sẽ, thông thoáng. Các chị phải nỗ lực để quét dọn hết rác trước 12h đêm, khi đồng hồ điểm 0h, chị và các đồng nghiệp dừng tay lại nghỉ ngơi ít phút, cùng nhau ăn nhẹ và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất khi năm mới sang.

Sau đó, đợi sau giao thừa khi nhà nhà cúng lễ, bày biện, thu gom cành lộc, đốt pháo thì chị cùng mọi người lại tỏa đi các tuyến phố quét dọn 1 lần nữa, đảm bảo sáng mai thức dậy, đường phố phải sạch đẹp tinh tươm rồi mới dọn xe, gác chổi đi về.

Chị Lan cho biết thêm, 33 năm nay, chưa năm nào chị được cúng giao thừa ở nhà, mọi việc đều do chồng, con chị làm. Trước khi đi làm, chị cố gắng chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để chồng, con ở nhà làm lễ rồi chị lên đường làm nhiệm vụ.

“Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, chứng kiến người người, nhà nhà được quây quần ấm cúng bên nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, tôi thấy rất chạnh lòng và tủi thân. 33 năm gắn bó với nghề lao công, cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên khi năm mới đến, nhưng đặc thù công việc của mình như vậy nên tôi cố nén cảm xúc lại, mong làm tốt, hoàn thành nhanh công việc để được trở về nhà toàn tụ với gia đình”, chị Lan chia sẻ. 

Nhiều năm làm việc trong đêm giao thừa, những người lao công dường như đã quen với nỗi vất vả, mệt nhọc này. Trên địa bàn thành phố, mỗi ngày, đêm, người dân xả ra hàng chục tấn rác thải sinh hoạt, vào ngày Tết, lượng rác thải càng nhiều hơn, có khi gấp 2-3 lần so với ngày thường. Vì thế, những ngày này, họ phải làm việc 24/24h, chia làm 3 ca, mỗi ca 8h. Họ thường trở về nhà vào lúc 3 - 4h sáng. Làm sạch, đẹp những tuyến đường để thành phố trở nên sạch đẹp và văn minh hơn chính là điều mà chị Lan và các đồng nghiệp luôn mong muốn trong những ngày đầu năm mới.

Công việc áp lực, lương thấp nhưng vẫn quyết gắn bó với nghề

Chị Trương Thị Minh Lan chia sẻ, nhiều người mong Tết nhưng công nhân vệ sinh môi trường như chị lại “sợ” Tết, bởi lượng rác ngày Tết tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, do đó, công việc cũng vất vả hơn rất nhiều.

Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn luôn nở nụ cười thật tươi, chị luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Yêu nghề, nên chị sẵn sàng hy sinh tất cả để gắn bó với nghề. Với chị, làm sạch đường phố Thủ đô để mang đến cho người dân một không gian sạch đẹp cũng là niềm vui, niềm an ủi đối với bản thân chị nói riêng và các đồng nghiệp nói chung.

Kể về cơ duyên đến với nghề lao công, chị Lan cho hay, vốn xuất thân là một cô gái Hà Nội gốc, khi ấy vì hoàn cảnh, điều kiện gia đình khó khăn nên 18 tuổi chị đã xin đi làm nghề này. Mới đầu, chị nản lắm vì công việc vất vả, phải đi làm vào thời điểm nhà nhà đã lên đèn, đêm hôm khuya khoắt, hiểm nguy rình rập, nhưng sau một thời gian làm việc, chị thấy yêu nghề và cảm thấy gắn bó với công việc này hơn.

Công việc đặc thù, vất vả, lương thấp, đến thời điểm này, sau 33 năm gắn bó, hàng tháng chị vẫn chỉ nhận về mức lương vỏn vẹn 6,2 triệu đồng, số tiền này không đủ chi tiêu, trang trải cuộc sống hàng ngày.  

Với vai trò là tổ trưởng, chị Lan nhiều lần tâm sự, nắm bắt được tâm lý của anh chị em và biết, nhiều người rất nản, muốn bỏ nghề. Chị đã nói chuyện, động viên anh em cố gắng vượt qua khó khăn và tiếp tục gắn bó với nghề.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Giám đốc chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho hay, như mọi năm, lượng rác thải sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán luôn tăng cao so với ngày thường, từ 400 tấn/ngày lên khoảng 800 tấn/ngày. Hiện tại, quân số tại chi nhánh là 183 người, đơn vị phải huy động 100% quân số từ đội xe đến đội vệ sinh môi trường để trực chiến, thu gom rác thải. Những ngày này, anh chị em công nhân vất vả, phải tăng thêm ca, giờ mới thu gom được hết lượng rác thải đó.

Ông Chuyên cho biết thêm, ngày 30 Tết hàng năm, lãnh đạo Công ty thường tổ chức đoàn đi động viên, thăm hỏi, chúc Tết anh chị em làm xuyên đêm giao thừa… Thành phố, Liên hiệp phụ nữ cũng đến thăm hỏi, chúc tết cán bộ công nhân viên môi trường. Do đặc thù công việc phải làm ngoài đường, nắng mưa, đêm tối rất vất vả, nghề nghiệp thường va chạm với giao thông nguy hiểm, ông Chuyên mong các cấp chính quyền thành phố quan tâm hơn nữa hết đến ngành nghề này, cần có tiền độc hại cao hơn dành cho chị em cũng như tăng tiền lương cho người lao động để anh chị em có thêm động lực và tái tạo sức lao động.

“Trước tình hình khó khăn chung, trong năm 2023, mong chính quyền quan tâm hơn đến ngành nghề đặc thù này. Đặc biệt là chế độ tiền lương cho người lao động, giữ chân người lao động, tạo động lực để họ thêm yêu nghề, cống hiến và yên tâm làm việc. Bởi đây là nghề vất vả, phải dầm mưa dãi nắng, thu nhập không cao, rất khó tuyển người”, ông Nguyễn Hồng Chuyên nói.

Trước và trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhiều người đang bận rộn chuẩn bị Tết, đi dạo chợ hoa, mua sắm, quây quần bên gia đình. Đâu đó, những công nhân môi trường vẫn đang lặng lẽ thu dọn rác vào thời khắc cuối năm, chuẩn bị đón mừng năm mới. Còn nhiều nữa những con người đang thầm lặng làm việc hoặc mưu sinh, tất cả đều hy vọng về một năm mới sẽ có được nhiều điều tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn./.

Bài liên quan
“Biệt đãi” để giữ chân người lao động
Dù giảm doanh thu, lợi nhuận eo hẹp do khó khăn chung nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh, tiền lương, thưởng. Do vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, người lao động tại các doanh nghiệp quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao hơn so với mọi năm rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất