Người dân ở Bắc Giang xót xa vì chùa Vẽ 300 tuổi bị thiêu rụi

Tiến Dũng - Văn Giang/VOV.VN | 11/02/2025, 20:36

Người dân ở Bắc Giang chứng kiến cảnh tượng chùa Vẽ, di tích lịch sử quốc gia 300 năm tuổi, bị ngọn lửa thiêu rụi đổ sập toàn bộ mái, khung gỗ, tượng gỗ và các đồ vật cháy đen sau vụ hỏa hoạn khiến ai cũng xót xa.

Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Hoàng Văn Tám, tổ dân phố Hậu, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, là người dân địa phương chứng kiến cảnh tượng di tích lịch sử văn hóa thôn, làng mình bị thiêu rụi ai cũng thấy xót xa.

“Vì từ thủa còn nhỏ, đình chùa đã gắn với tuổi thơ của chúng tôi. Ngày trước mỗi khi đình chùa có việc hệ trọng dù người dân trong làng có bận bịu đến mấy cũng đến thắp nén hương thơm, cầu mong nhiều may mắn. Sắp tới là ngày rằm, ngày lễ không biết người dân nơi đây sẽ đi lễ bái tam bảo ở đâu bây giờ” - ông Tám chua xót nói.

Cứ nghĩ về chùa thì không cầm được nước mắt, ông Dương Văn Dũng, tổ dân phố Hậu, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, từ già đến trẻ ai cũng thấy xót xa. Dù ở nhà cứ bị mất vài trăm triệu còn có thể kiếm lại được. Nhưng cháy chùa, thiêu rụi cổ vật thì không thể cứu lại được.

“Bởi từ ngày xưa dưới làn mưa bom bão đạn của giặc Pháp, Mỹ nhưng ngôi chùa vẫn sừng sững không làm sao. Giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy chúng tôi xót xa lắm”- ông Dũng chia sẻ.

Theo thống kê ban đầu, tòa Tam bảo bao gồm 5 gian 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263m2 đã bị cháy. Cùng với đó là 25 pho tượng và hiện vật là 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án… đều bị cháy.

Các hạng mục liền kề gồm hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách được bảo vệ an toàn.

Nhận được tin cháy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cùng các đồng chí là lãnh đạo TP Bắc Giang đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, khắc phục thiệt hại một cách tối đa.

Ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, UBND phố Bắc Giang đã ban hành công văn chỉ đạo các lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Yêu cầu các địa phương, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, tăng cường tối đa công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn, nhất là thời gian cao điểm đầu xuân đang diễn ra nhiều lễ hội.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã ban hành 2 công văn chỉ đạo gửi UBND TP Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh đề nghị báo cáo về vụ cháy và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho di tích chùa Làng Vẽ.

Để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn cho di tích, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo UBND TP Bắc Giang và các cơ quan có liên quan bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ địa phương phong tỏa, bảo vệ hiện trường, không cho người không có phận sự ra vào.

Các lực lượng tại chỗ triển khai ngay phương án bao che toàn bộ khu vực xảy ra hỏa hoạn, bảo đảm phục vụ công tác điều tra của lực lượng chức năng, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục; tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác vụ việc, ổn định tình hình, an ninh trật tự trên địa bàn; khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại do vụ cháy gây ra để sớm đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo chùa Làng Vẽ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.

Được biết, chùa Vẽ còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, tinh tế, sơn thếp đẹp màu mận chín, xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo ở thời Lê. Các tài liệu, hiện vật khác như bát hương, mõ gỗ, nhang án thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chuông đồng thời Tây Sơn và đặc biệt là cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1720)… có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị nghiên cứu khoa học.

Năm 2018, khi tu sửa chùa Vẽ, người dân địa phương đã phát hiện 3 bệ chân tảng đá hoa sen mang phong cách thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) dưới phần nền ngôi tam bảo. Điều đó cho thấy ngôi chùa có thể có gốc tích được xây dựng lần đầu từ thời Trần.

Hằng năm, lễ hội chùa Vẽ tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian như trò kéo chữ Hán “Thiên Hạ Thái Bình” hoặc “Toàn dân khai hội”…

Đình và chùa Vẽ được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/2/1994.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Điện tử VOV ghi nhận tại hiện trường.

Bài liên quan
Nên cúng rằm tháng Giêng ở trong nhà hay ngoài trời?
Nhiều người phân vân không biết nên cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời mới đúng với nghi lễ truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội; xa hơn, đó là sự chuẩn bị nhân sự cho tương lai phát triển của tổ chức đảng, sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; rộng hơn, đó là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước...
Mới nhất