Ngành đường sắt không đồng ý di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Phi Long/VOV.VN | 08/07/2022, 11:21

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, trong đó có cơ sở nhà đất Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

UBND thành phố Hà Nội mới đây đã có Tờ trình gửi HĐND thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1). Thành phố Hà Nội đề xuất di dời 10 cơ sở do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng. Trong đó, có Nhà máy xe lửa Gia Lâm, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20ha, hiện là trụ sở công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe. 

Liên quan đến việc này, đại diện ngành đường sắt nhấn mạnh trong các văn bản pháp lý về quy hoạch đường sắt đều khẳng định duy trì và phát triển cơ sở công nghiệp đường sắt này. Dù mới chỉ là đề xuất của quận Long Biên (Hà Nội), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kiên quyết giữ Nhà máy xe lửa Gia Lâm, không chỉ vì ý nghĩa lịch sử mà nhà máy này còn có vai trò lớn đối với ngành đường sắt và cả nền kinh tế. 

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty CP Xe lửa Gia Lâm) rộng hơn 203.000m2. Nhà máy được xây dựng ở vị trí mà Pháp đã đặt nền móng từ những ngày xây dựng đường sắt đầu tiên, rất phù hợp với mạng lưới đường sắt Việt Nam.

Khuôn viên Nhà máy xe lửa Gia Lâm gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đã được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ từ khoảng năm 1980, được thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng giữ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Dĩ An, Bình Dương) là cơ sở công nghiệp đường sắt.

“Trong những năm qua, công nghiệp đường sắt không được đầu tư tương xứng, không chỉ từ nguồn vốn Nhà nước mà các nhà đầu tư ngoài ngành cũng không tham gia. Do đó, buộc phải giữ lại hai cơ sở công nghiệp lớn này để phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải đường sắt”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đánh giá với ưu thế về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị và trình độ cán bộ, công nhân viên, Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm thực hiện đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy Diesel, tiến tới sẽ lắp ráp các loại đầu máy điện...với mục tiêu sản xuất phụ tùng thay thế đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 60-80%.

Thừa nhận tại nhà máy có tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và một phần tài sản là công trình công nghiệp đường sắt, ông Mạnh cho rằng theo các quy định pháp luật hiện hành, việc xử lý, di dời tài sản này thuộc thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

“Việc đảm bảo quỹ đất ổn định, có định hướng phát triển tại cơ sở nhà, đất này là việc làm cấp thiết, mang tầm chiến lược của ngành công nghiệp đường sắt nói riêng và quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia nói chung”, ông Mạnh nói.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hậu cần công nghiệp đường sắt rất quan trọng vì nếu không có sẽ không thể làm chủ công nghệ và phải tìm mua nước ngoài, dẫn đến “chảy máu” ngoại tệ. Trên cơ sở đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ gửi văn bản đến UBND, HĐND thành phố Hà Nội, kiến nghị xem xét thấu đáo về tính pháp lý và thực tiễn quản lý, sử dụng đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên; không thực hiện di dời để phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Minh, Luật Đường sắt 2017 được ban hành với nhiều ưu đãi đã mở ra cơ hội lớn để phát triển công nghiệp đường sắt nói chung, cơ khí nói riêng. Luật mới xác định có 3 hệ thống đường sắt là hệ thống đường sắt hiện hữu, hệ thống đường sắt đô thị đang được xây dựng, phát triển và hệ thống đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Cơ khí đường sắt có vai trò rất quan trọng đối với cả 3 hệ thống này.

“Công nghiệp cơ khí đường sắt sẽ giúp đẩy mạnh công nghệ đường sắt, nâng cấp sửa chữa cải tạo đóng mới metro, toa xe. Khi chuẩn bị cho đường sắt tốc độ cao trong vòng 7-10 năm nữa thì cơ khí phải chuẩn bị từ bây giờ, gồm quỹ đất, công nghệ, nguồn lực đầu tư. Ngành đường sắt sẽ có văn bản kiến nghị xem xét thấu đáo về tính pháp lý”, ông Minh cho biết.

Để phát triển cơ khí đường sắt trong nước, người đứng đầu ngành đường sắt cho rằng các đơn vị cơ khí đường sắt cần các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được; được vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất từ các nguồn của Nhà nước.../.

Bài liên quan
Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo lãi hơn 13,1 tỷ đồng
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) báo lãi sau thuế năm 2023 đạt hơn 13,1 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận có lãi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất