Nga lần đầu tiết lộ hoạt động của tiêm kích Su-27SM ở Ukraine

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo The Drive | 09/12/2022, 08:06

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về hoạt động của máy bay chiến đấu Su-27 của nước này trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trái ngược với các chiến đấu cơ hiện đại Su-30SM và Su-35S, video, hình ảnh hay các đoạn phim tài liệu về Su-27 trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga rất hiếm khi được tiết lộ.

Video mới nhất tập trung vào Su-27SM – phiên bản nâng cấp của Su-27 Flanker-B. Đoạn video ngắn được đăng trên kênh truyền hình Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy chiếc Su-27SM đang thực hiện cuộc tuần tra trên không, từ lúc máy bay cất cánh cho đến khi hạ cánh. Nó mang theo hai tên lửa không đối không tầm trung R-27 (AA-10 Alamo) và 4 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer).

Chiếc Su-27SM thuộc Không đoàn Chiến đấu số 38, đóng tại căn cứ không quân Belbek ở ngoại ô thành phố Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea. Theo kênh truyền hình Zvezda, Su-27SM cung cấp khả năng yểm trợ cho máy bay tấn công, máy bay ném bom và trực thăng chiến đấu.

Alexander – phi công điều khiển Su-27 cho biết: “Theo lệnh của trung tâm chỉ huy, chúng tôi phải kiểm soát khu vực thực hiện nhiệm vụ trên không. Khi phát hiện mục tiêu chúng tôi phóng tên lửa không đối không có dẫn đường. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ liên tục suốt ngày đêm, thậm chí giao chiến với máy bay chiến đấu của đối phương”.

Thông thường, nhiệm vụ ưu tiên của Su-27SM là bảo vệ không phận tại Bán đảo Crimea. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh diễn ra một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu quân sự quan trọng ở Crimea. Hồi đầu tháng 8, một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Su-27SM đang mang theo tên lửa không đối không tiên tiến R-77-1.

Ngoài bảo vệ Crimea, các máy bay chiến đấu này cũng có khả năng bay qua Biển Đen để theo dõi máy bay trinh sát và máy bay không người lái của NATO hoạt động ở nơi này. Hồi tháng 9 vừa qua, một chiếc Su-27 được cho là đã bay cắt mặt máy bay giám sát điện tử RC-135W Rivet Joint của Không quân Hoàng gia Anh, trên Biển Đen. Cả Anh và Nga đều đánh giá đây là sự cố bất ngờ, nhưng sau dó Anh đã đều máy bay chiến đấu Typhoon hộ tống RC-135W khi hoạt động ở Biển Đen.

Video về hoạt động của Su-27SM đăng trên kênh truyền hình Zvezda.

Chương trình nâng cấp Su-27SM của Nga

Nga đã thực hiện chương trình nâng cấp giữa vòng đời đối với chiến đấu cơ Su-27SM vào năm 2003, nhằm kéo dài tuổi thọ và gia tăng khả năng của những chiếc Su-27 hiện có.

Su-27SM có hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31FM1 (hay còn gọi là AL-35F) với lực đẩy 135kN, radar mới với tầm quét xa hơn, có khả năng bay hành trình dài hơn, và chế độ không chiến được nâng lên rõ rệt.

Những chiếc Su-27SM nâng cấp đầu tiên bắt đầu hoạt động trở lại vào cuối năm 2004 và chúng đã được triển khai tới căn cứ không quân Belbek ở Crimea vào năm 2014. Bên cạnh đó, Nga cũng chế tạo mới 12 chiếc khác, được gọi là máy bay Su-27SM3, có thêm rất nhiều tính năng nổi bật. Nhìn bề ngoài, Su-27SM trông rất giống chiến đấu cơ Su-27 đời đầu, nhưng buồng lái của nó đã được thay đổi khá nhiều với các màn hình hiển thị đa chức năng.

Hệ thống điều khiển hỏa lực mới được chuyển đổi từ hệ thống được sử dụng cho các máy chiến đấu tiên tiến Su-30MK2 mà Nga chế tạo cho Trung Quốc, bao gồm hệ thống ngắm radar và kính ngắm quang điện tử, thiết bị dò tìm và theo dõi tia hồng ngoại cùng máy tính tiên tiến hơn, cho phép lập bản đồ địa hình và phát hiện các mục tiêu trên mặt biển.

Su-27SM có thể mang được rất nhiều loại vũ khí. Nếu như Su-27 chỉ giới hạn ở việc mang tên lửa không đối không R-27 và R-73, bom và rocket không điều khiển, thì Su-27SM có thể sử dụng tên lửa chống hạm/chống radar Kh-31A/P (AS-17 Krypton), tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser/TV Kh-29L/T/TD (AS-14 Kedge) và bom dẫn đường bằng laser.

Nhưng hiếm khi Su-27SM mang theo vũ khí không đối đất. Điều đó cho thấy vai trò chính của nó vẫn là phòng không. Đối với nhiệm vụ phòng không Su-27SM có thể mang theo tên lửa không đối không chủ động R-77-1 (AA-12 Adder) dẫn đường bằng radar. Các phi công Ukraine đã nói về những thách thức lớn mà họ gặp phải khi đối mặt với chiến đấu cơ Su-27SM mang theo tên lửa R-77-1.

Các cuộc tấn công bằng UAV vào căn cứ không quân của Nga cách chiến tuyến hàng trăm km khiến Moscow phải tập trung gia tăng khả năng phòng không. Dù Su-27 là một trong những chiến đấu cơ lâu đời nhất của Nga, nhưng rõ ràng chúng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực phòng không.

Trước khi Nga sáp nhập Crimea, Belbek là nơi đồn trú của các máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum thuộc Không quân Ukraine cùng nhiều loại máy bay khác được sử dụng cho các cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đen. Sau khi kiểm soát khui vực này, Nga đã thành lập căn cứ không quân 38 IAP ở Belbek và thay th đường băng cũ từ thời Liên Xô bằng một đường băng dài hơn và hiện đại hơn.

Khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biẹt tại Ukraine vào tháng 2 vừa qua, Belbek đã tiếp nhận được một loạt máy bay chiến đấu từ nhiều đơn vị ở Nga, trong đó có Su-30SM và Su-35S, Su-34 Fullback và máy bay đánh chặn MiG-31BM Foxhound./.

Bài liên quan
Tổng thống Ukraine muốn Mỹ chuyển giao vũ khí nhanh nhất có thể
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách bổ sung cho Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này nhanh nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất