
Thông tin trên được đưa ra tại toạ đàm Đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá trong lĩnh vực âm nhạc do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch tổ chức tại TP.HCM ngày 20/4.
Tại toạ đàm, ông Phạm Minh Toàn, Tổng Giám đốc Vietfest cho rằng, trong lĩnh vực âm nhạc, cần phải hướng đến kinh doanh được để giúp nhà sản xuất và nghệ sĩ kiếm được tiền. Tuy nhiên, hiện tại các hoạt động âm nhạc đang làm miễn phí nhiều, chưa có thói quen bán vé vì một số lí do như phát triển du lịch, truyền thông,…
"Rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài khi chúng tôi liên hệ mời về lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo, họ đều hỏi về chính sách bán vé như thế nào, họ không thích diễn free. Sản phẩm lao động họ muốn được bán vé, khán giả phải trân trọng bỏ tiền mua vé tới thì nghệ sĩ họ mới ưu tiên biểu diễn. Đó là mấu chốt để thay đổi quan điểm muốn ngành công nghiệp âm nhạc phát triển thì phải bán được vé", ông Toàn cho biết.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một phần khó khăn, lấy ví dụ về Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo diễn ra ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quận 1) rất chật hẹp, trong khi một số lễ hội lớn ở nước ngoài tối thiểu 2-3 ngày, hay Thái Lan từ 2 tuần hoặc 1 tháng.
Hiện nay, một số chương trình mới chỉ dừng lại ở việc diễn một đêm, khán giả đến xem rồi về nên không thu hút được du khách. Nếu không có địa điểm đủ để làm dài ngày thì không thể dùng âm nhạc phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Toàn, ngành công nghiệp sáng tạo hay văn hoá nói riêng nên có chính sách đặc thù riêng về thuế vì hiện nay các đơn vị như của ông Toàn đang thực hiện chính sách như những ngành khác.
Việc làm văn hoá rất khó có lời, thậm chí đều lỗ trong vài năm là chuyện bình thường, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kiên trì nguồn lực để đi theo, nên doanh nghiệp cũng mong sự chung tay của nhà nước.
Bên cạnh đó, chiến lược quốc gia cũng rất quan trọng để các đơn vị bám vào và đi theo. Như một số quốc gia như Hàn Quốc hay Thái Lan đều có chiến lược xuất khẩu âm nhạc, có sự đồng hành của doanh nghiệp với quốc gia.

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng chương trình càng đông thì càng chứng tỏ đẳng cấp của nghệ sĩ, tuy nhiên không phải show nào cũng bán được vé.
Nghệ sĩ Xuân Bắc lấy ví dụ, một show có Xuân Bắc có số lượng 10.000 vé nhưng bán mãi mới được 1.000 vé. Nếu không đông thì nghệ sĩ không thể diễn được.
"Đơn vị tổ chức show và nghệ sĩ thì cũng phải đông khán giả mới diễn được. Thế là lại mang vé đi giả vờ bán hạ giá hoặc cho tặng. Đây cũng là bài toán rất khó, cực kỳ khó. Có những khi đề giá 2 triệu nhưng bán combo mua 4 tặng 3 để đảm bảo uy tín, đây cũng là điều rất khó", nghệ sĩ Xuân Bắc nói.

Vừa qua, một số chương trình ca nhạc như show diễn Sài Gòn Simple Love tháng 2/2025, đại nhạc hội Huế - Mega Booming 2025 đều bị bị huỷ bỏ bởi số lượng vé bán ra không đáp ứng dù có các nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc hay dàn “Anh trai say hi”.
Cũng tại toạ đàm, đại diện Tiktok Việt Nam ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, có 4 trụ cột của ngành âm nhạc là: sáng tác, hạ tầng biểu diễn, khán giả và khách hàng doanh nghiệp. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng sân khấu, địa điểm quan trọng nhưng giao thông cũng có vai trò quan trọng không kém. Ông Thanh cho biết cách đây 12 năm ông đã từng thoả thuận với công ty SM Town đưa nghệ sĩ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng sau khi đi khảo sát thì đối tác thông báo từ chối vì hạ tầng giao thông ở đây chưa đáp ứng được.