Đưa công nghiệp văn hóa thành "đòn bẩy" cho du lịch Ninh Bình

Hải Nam/VOV.VN | 09/05/2025, 13:45

Sáng 9/5, hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh" do Báo Tiền Phong và Sở Du lịch Ninh Bình đồng tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, tập trung phân tích và đề xuất giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa, nâng tầm du lịch địa phương.

Phát biểu tại hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển ấn tượng, từng bước khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên Ninh Bình vẫn cần chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển theo chiều sâu - không chỉ tăng trưởng về lượng mà cần bứt phá về chất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là chiến lược phát triển du lịch văn hóa.

Muốn phát triển du lịch văn hóa bền vững, không thể chỉ đo đếm lượng khách hay doanh thu, Ninh Bình cần xây dựng công cụ đo về phát triển du lịch văn hóa bền vững của riêng địa phương, trong đó phải đặc biệt lưu ý những chỉ tiêu về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; chất lượng trải nghiệm, tác động xã hội; tác động môi trường và đặc biệt là hiệu quả khai thác của các tài nguyên văn hóa...

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình phát triển, du lịch tỉnh Ninh Bình cũng còn tồn tại một số hạn chế như: thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, các sản phẩm đổi mới sáng tạo mang lại giá trị gia tăng cao; chưa phân định rõ sản phẩm công nghiệp văn hóa mang tính thương mại với dịch vụ văn hóa mang tính công ích; thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư chuyển hóa tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch mang giá trị gia tăng cao, sản phẩm công nghiệp văn hóa…

Hiện nay tỉnh Ninh Bình cũng xác định một số giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới tư duy phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hiện đại, tích hợp công nghệ và chuyển đổi số, hình thành các sản phẩm văn hóa có giá trị thương mại cao, gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa được ưu tiên phát triển như: điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, lễ hội… gắn với bản sắc di sản Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An. Một số trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa, khu trải nghiệm du lịch gắn với làng nghề truyền thống cũng đang được hình thành, trên cơ sở thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Tạo nên sự độc bản cho điểm đến Ninh Bình

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng tỉnh Ninh Bình cần xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc trưng, riêng có của địa phương. Trong đó có thể tham khảo các nguyên tắc như: Tính nguyên bản, sự khác biệt, gắn kết với hệ sinh thái địa phương, sự đồng sáng tạo của cộng đồng người dân, doanh nghiệp và sức hấp dẫn đáng nhớ.

Hơn thế nữa, điểm nhấn của sản phẩm du lịch đặc trưng nằm ở yếu tố khó sao chép và không dễ thay thế. Cảnh quan đẹp có thể được mô phỏng ở nơi khác, tiện ích du lịch có thể được đầu tư tương đồng ở nhiều nơi, nhưng những giá trị văn hóa bản địa – đặc biệt là tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian – thì chỉ tồn tại trong một bối cảnh văn hóa – xã hội nhất định. Chính điều đó tạo nên sự độc bản cho điểm đến mà tỉnh Ninh Bình rất cần quan tâm.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội, đối với Ninh Bình, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa và tâm linh sẽ có sức sống bền bỉ. Ví dụ, hành trình về cố đô Hoa Lư sẽ càng có chiều sâu nếu người đi được nghe kể về cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, được chứng kiến nghi lễ tái hiện lễ đăng quang, hoặc tham gia vào các hoạt động lễ hội truyền thống với vai trò là một “người nhập cuộc”, chứ không chỉ là khán giả. Tương tự, một hành trình đến chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á – sẽ không trọn vẹn nếu chỉ là đi qua các công trình kiến trúc mà không hiểu về triết lý Phật giáo, không cảm nhận được không khí tĩnh tại, hay không tham dự vào những nghi lễ thiền định, tụng kinh, dâng hương. 

Hơn thế nữa, sản phẩm đặc trưng mang tính văn hóa – tâm linh còn là giải pháp quan trọng để giữ gìn và lan tỏa giá trị di sản trong lòng cộng đồng. Khi các yếu tố văn hóa bản địa được đưa vào khai thác một cách trân trọng, có chọn lọc và có chiến lược, thì chính người dân địa phương – từ nghệ nhân, sư thầy, trưởng làng, người già – sẽ trở thành chủ thể của quá trình phát triển du lịch, chứ không chỉ là người làm dịch vụ.

"Khi một làng nghề như làng thêu ren Văn Lâm được phục dựng và kết nối với tuyến du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, khi những buổi diễn xướng chèo cổ được tổ chức trong không gian làng quê gắn với tín ngưỡng dân gian, thì không chỉ du khách được lợi, mà cộng đồng cũng có thêm sinh kế, thêm tự hào, thêm động lực gìn giữ văn hóa...

Khi một du khách đến Ninh Bình không chỉ để ngắm núi non, mà còn để thiền tại chùa cổ, tham dự lễ rước nước, nghe hát văn trong một đêm trăng, hay trải nghiệm thêu tay cùng nghệ nhân làng nghề…, thì giá trị mà họ cảm nhận không còn là sản phẩm, mà là trải nghiệm gắn kết và chuyển hóa – thứ sẽ đọng lại trong ký ức và tâm trí họ mãi về sau", PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Như vậy, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa và tâm linh không chỉ giúp Ninh Bình định hình vị thế khác biệt, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, mà còn góp phần bảo vệ di sản, phát huy nội lực cộng đồng và xây dựng hình ảnh một điểm đến sống động, sâu sắc, bền vững. Đó không chỉ là mục tiêu phát triển du lịch, mà còn là một chiến lược phát triển con người, bảo tồn bản sắc và nuôi dưỡng căn cốt tinh thần của dân tộc trong thời đại hội nhập.

Bài liên quan
TP.HCM dự tính hình thành Lễ hội Thống nhất vào mỗi dịp 30/4
Từ sự hưởng ứng của người dân, thành công của chuỗi các hoạt động trong những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua giúp cho TP.HCM có cơ sở thực tiễn để hình thành một Lễ hội Thống nhất vào mỗi dịp 30/4.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Azerbaijan
VOVLIVE - Nhận lời mời của Tổng thống Ilham Aliyev Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 7-8/5, chiều 7/5 (theo giờ địa phương) tại Phủ Tổng thống Cung Zugulba, Tổng thống Ilham Aliyev chủ trì lễ đón trọng thể Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta.
Mới nhất